Sunday, October 27, 2019

#Saigon - Thành Phố Tình Yêu và Nỗi Nhớ

Hôm nay vẫn sẽ là những dòng cảm xúc về Sài Gòn thành phố của tôi, nhưng lần này sẽ phá lệ thêm hình vào bài viết, vì đó là một bức hình mà chính tôi đã chụp trên đường từ nhà đi bộ ra Bưu Điện Trung Tâm Sài Gòn.

Và xin phép mượn tên một bài hát của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn phổ thơ nhà văn Nguyễn Nhật Ánh để làm tựa bài viết - như một lời tri ân sâu sắc dành cho hai vị nhạc sĩ, nhà văn đã dành trọn tình cảm cho thành phố này. Càng đáng trân trọng hơn khi tôi được biết, Sài Gòn là quê hương thứ hai của các Chú. Khi nghe lời bài hát, cảm nhận được tình cảm vô vàn của hai Chú dành cho Sài Gòn, thì nhiều người ắt hẳn sẽ nghĩ hai Chú đã sinh ra và lớn lên ở nơi đây.

Một người em đồng nghiêp người Hà Nội đã hỏi tôi có phải là người Sài Gòn gốc không? Theo tôi đó là một khái niệm thú vị và... luôn có thể trả lời hoặc không tùy theo định nghĩa. Nhà ngoại là người Việt gốc Hoa di cư đến Sài Gòn từ trước những năm đầu thế kỷ 20, còn bên nội thì ông Nội gốc Quảng Nam đã vào Sài Gòn từ trước những năm 1954 để sinh sống và lập nghiệp tại đây. Tôi thì vì vậy được sinh ra ở Sài Gòn với một suy nghĩ "xuyên suốt" rằng mình là người Sài Gòn, vì tôi lớn lên ở thành phố này. Từ ngày nhỏ, Sài Gòn trong tôi đơn giản là những thói quen, là món ăn ngon mà Bà Ngoại đã truyền lại cho Mẹ, là nếp sống trong gia đình mà Ba Mẹ đã dạy tôi từ ngày nhỏ. Là những con đường đến trường hay ra công viên Tao Đàn gần nhà. Có một điều mà khi nhớ lại tôi cảm thấy khá đặc biệt đó là tình cảm dành cho Sài Gòn của tôi rõ ràng có được từ những điều bình dị nhất mà tôi cảm nhận mỗi ngày trong cuộc sống, vì gia đình tôi cũng chưa một lần nhắc đến khái niệm quê hương khi nhắc về Sài Gòn, nhưng những câu chyện về người Sài Gòn, tính cách trung thực, giản dị và hào sảng của họ luôn hiện diện trong từng lời kể của Ba Mẹ, Cô Chú trong gia đình khi có dịp cùng nhau trò chuyện.

Trong đời, tôi đã hai lần xa Sài Gòn, may mắn chỉ là chào tạm biệt mà thôi. Một lần là đi sang Đức và lần dài nhất là đi học ở Hà Nội. Những ngày đó, tôi nhớ Sài Gòn như nhớ Ba Mẹ, em gái và gia đình mình. Đúng rồi, Sài Gòn với tôi không phải là thành phố, là một địa điểm, mà là người thân của tôi.

Trên từng con đường, dù là vào một buổi trưa nắng ở một xóm nhỏ lao động quận 8 văng vẳng tiếng cải lương, nơi có những đứa nhỏ vui vẻ chạy qua chạy lại nô đùa cùng nhau không biết chán, có những ông bà cụ loay hoay phơi cơm nguội hay là những ngày se lạnh trên con đường quận 3, quận 1 đầy những trung tâm thương mại hào nhoáng thì tôi luôn tìm thấy những kỷ niệm của mình ở đó. Tôi và em gái cũng đã từng là những đứa nhỏ đó - chạy chơi, tha thẩn hái lá dừa, hái trái sung trong vườn của Ông Bà Ngoại vào những trưa nắng khi người lớn đã chợp mắt một chút nhưng với đám con nít là một "cơ hội" tốt để khám phá mọi thứ. Khu vườn bao quanh nhà Ngoại là một ngôi nhà rất rộng có gạch Tàu và gạch lát nền trắng đỏ cùng với những chiếc ghế sofa nhuốm màu thời gian đúng kiểu Sài Gòn xưa mà ta hay thấy ở những quán cà phê Vintage bây giờ. Bà Ngoại cũng đi phơi lá dừa để chụm củi nhóm bếp và đến giờ mùi khói bếp, mùi đốt lá vẫn là một trong những mùi hương mà tôi thích nhất, dù không phải là nước hoa đắt tiền hay thứ gì đó tương tự như vậy. Đó là mùi hương của kỷ niệm mà không tiền nào có thể mua được nữa...

Sài Gòn là một thành phố cởi mở và bao dung, có thể nói là một nước Mỹ thu nhỏ. Những người di dân từ hơn 300 năm trước và nay là những người nhập cư đã tạo nên bản sắc rất riêng của thành phố này. Cảm ơn họ đã mang những nét văn hóa độc đáo, những món ăn ngon và góp phần xây dựng nên Sài Gòn mà tôi có hôm nay. Hôm nay xin dành những dòng này chỉ cho những suy nghĩ và chia sẻ tích cực.

Là một người Sài Gòn - đầy lòng biết ơn và tự hào khi tôi có thể tự gọi mình như thế, dù không là những nhạc sĩ, những nhà văn để gửi lòng mình vào những sáng tác hay không có những dự án có thể thay đổi tích cực thành phố mà tôi yêu - cũng xin nguyện là một người Sài Gòn chân chính, tiếp nối truyền thống hào sảng, văn hóa chia sẻ của bao nhiêu thế hệ người Sài Gòn đi trước. Đơn giản là viết nên những dòng này để bày tỏ và chia sẻ tình cảm của mình với thành phố, không xả rác bừa bãi ngoài đường, không đi xe máy lên lề đường làm hư hỏng công trình công cộng, giúp đỡ những người khó khăn hơn mình... là tôi đã có thể đóng góp phần sức lực nhỏ bé của mình rồi. Tôi tin rằng, không quan trọng bạn có là người Sài Gòn gốc hay không, khi bạn đã chọn thành phố này để sinh sống, làm việc, chọn nó làm quê hương thứ hai cho mình thì xin hãy yêu thương Sài Gòn thật tâm như bạn đã yêu quê hương mình. Đó là cách dễ dàng nhất để "trả ơn" cho nơi đã chào đón và mang đến cho các bạn những cơ hội trong cuộc sống mà có thể những nơi khác không có. Chúng ta sẽ làm được mà phải không? :)




Saturday, August 17, 2019

#AmThuc - Bánh Xèo Miền Tây và những người bạn




Bánh xèo miền Tây, nếu ai không để ý như tôi trước đây, sẽ nghĩ là nó rất giống bánh xèo Sài Gòn (vì cùng là bánh xèo miền Nam). Cho đến khi thăm miền Tây, được thưởng thức món ăn này ở Đồng Tháp, tôi mới à ồ ra, thì ra Bánh xèo Miền Tây và Sài Gòn là hai chị em họ thôi, vì tôi đã tìm thấy được một số sự khác nhau đáng kể giữa hai phiên bản này.

Đó là một ngày mưa lất phất, rất thích hợp để ăn bánh xèo - theo ý tôi. Không hiểu sao từ nhỏ đến giờ, hễ nghĩ đến bánh xèo, tôi lại nhớ đến những ngày mưa ở Sài Gòn, dù là ở nhà Mẹ đổ hay ở trên nhà Bà Nội. Nói một chút về phiên bản bánh xèo mà tôi vẫn hay ăn do Mẹ hay Bà Nội đổ. Bánh xèo Mẹ đổ là bánh xèo miền Nam theo cách mà Mợ Tư tôi - gia đình nhiều đời ở Sài Gòn vẫn làm (phân biệt với bánh xèo của Bà Nội là bánh xèo Quảng Nam). Trong mắt tôi, đó là một phiên bản hoàn hảo, vì lớp vỏ không quá dày, lớp rìa bánh giòn ngon. Nhân bên trong đơn giản là thịt ba rọi, tôm luộc, giá và vài khoanh hành tây. Để "dán" lớp nhân dính vào bánh, Mẹ khuấy chút tròng đỏ trứng gà chan lên bánh. Khi chín ăn vừa thơm vừa béo béo nhẹ. Còn Bà Nội đổ bánh xèo có lớp vỏ dày hơn hẳn, không giòn mà dai dai, đậm mùi nghệ hơn. Bà cũng không dùng dầu ăn, mà dùng chính miếng mỡ ba rọi cắm lên nĩa chà chà vài cái lên chảo, để tôm vào "tau" một chút cho vỏ tôm cháy thơm rồi mới đổ bột bánh. Còn lại thì phần nhân cũng tương tự như Mẹ làm. Phiên bản nào với tôi cũng thật ngon, luôn có mùi vị của sự tảo tần, hy sinh của người Mẹ, người Bà trong đó. Vì đổ bánh không đơn giản như mình nghĩ đâu các bạn. Bao giờ Mẹ và Bà Nội cũng đổ xong hết bánh cho tất cả mọi người trong nhà ăn thật ngon, thật no, chịu hơi nóng từ chảo, cẩn thận canh độ chín của bánh, nhìn mọi người vui vẻ ăn, nghe mọi người ríu rít cười nói trò chuyện rồi bản thân mình mới là người ăn cuối cùng khi mồ hôi đã thấm đẫm lưng áo...

Quay lại với bánh xèo miền Tây, ngày mưa đó tôi đã ghé một quán ở ngoại ô thành phố Cao Lãnh. Quán ăn trông tươm tất, sạch sẽ, chứng tỏ người chủ quán rất có tâm. Tôi háo hức vô cùng, vì lần đầu trong đời được ăn bánh xèo miền Tây ngay tại quên hương của nó. Chúng tôi vào gọi món, cô đầu bếp bắt đầu đổ bánh. Một lúc sau, món bánh thơm lừng được mang ra, lót trên những miếng lá chuối. Đi kèm là một rổ rau nhỏ gồm cải xanh, xà lách, rau thơm các loại, lá bằng lăng và 1 loại lá hơi nhớt không biết tên mà người dễ ăn như tôi cũng chưa làm quen được. Điều khác biệt đầu tiên là vỏ bánh sao mà giòn đều đến thế. Ở Sài Gòn, tôi cũng có dịp đến ăn một quán gốc miền Tây (như lời họ quảng cáo), vỏ bánh cũng giòn, nhưng khi chạm đũa vào thì... dầu ăn tươm ra nên ăn một tí là bị ngán. Còn bánh chính gốc tôi ăn ở quán này thì không hề bị như thế - chứng tỏ tài nghệ điêu luyện của người đầu bếp khi pha bột và chiên bánh. Sau đó tôi "nghiên cứu" tiếp phần nhân bánh. Ồ, ở đây họ không dùng thịt ba rọi mà là thịt nạc dăm, tôm thì được ướp chút  màu và gia vị :), củ sắn, đậu xanh đãi vỏ ăn bùi bùi, béo béo. Mọi người ăn bánh xèo thường cuốn với rau, nhưng vì tôi ăn uống hơi lạ, cộng với lớp vỏ rất giòn, tôi để bánh vào chén rồi để thêm các loại rau vô, sau đó chan nước mắm chua ngọt kèm dưa chua. Bánh thơm đậm mùi nước cốt dừa, với một số thực khách có lẽ hơi ngọt, nhưng vì là người Nam nên tôi thấy không vấn đề, ngược lại rất ngon. Bánh xèo nhân tôm thịt là lựa chọn của tôi. Còn Bạn thì gọi một bánh xèo nhân thịt vịt. Bạn hào hứng kể hầu hết người dân ở đây thích nhân thịt vịt nhiều hơn hẳn. Tôi lại ồ lên ngạc nhiên, vì ở Sài Gòn tôi chưa ăn bánh xèo nhân thịt vịt bao giờ. Thật thú vị làm sao! Nhân không những có thịt vịt thôi, mà còn có lòng vịt nữa. Tất cả được xắt nhỏ cùng với củ sắn và đậu xanh như trên. Cảm nhận đầu tiên vẫn là ngon, nhưng lạ miệng, vì trước giờ khi nhắc đến thịt vịt, tôi chỉ nghĩ được độc nhất hai món là cháo vịt và vịt quay. Bạn ân cần hỏi tôi ăn ngon không. Nghe tôi trả lời "Rất thích", ánh mắt Bạn ánh lên niềm tự hào về món ăn quê nhà. Tôi nhìn mà thấy vui lây. Bạn cũng nhận xét bánh ở quán ngon chắc do vẫn còn dùng lửa củi để chiên, bánh chín và giòn đều mà ko cần dùng quá nhiều dầu.

Cải xanh do chủ quán tự trồng nên cay, thơm mùi cải rất rõ. Đây không phải quán đầu tiên ở miền Tây mà chủ quán tự tay trồng rau hay làm gì đó đặc biệt cho thực khách của mình. Trước đó, ở một quán phở, chị phục vụ vui vẻ nói với tôi là giá do quán tự làm luôn. Đúng rồi, giá ăn rõ vị, đầu to và mình thuôn hơn hẳn với giá ở thành phố mà tôi vẫn thường ăn. Lần khác, vào một quán hủ tiếu nhỏ, anh chủ mang ra một bình đầy nước "gì đó" mà tôi uống nghe thơm thơm. Lấy hết can đảm để hỏi thì biết nhà anh rang đậu đỏ và gạo chung rồi nấu lên mang cho khách uống luôn. Lòng cảm thấy vừa nhẹ nhàng, ấm áp vừa biết ơn những hành động nhỏ đó. Cũng là kinh doanh, buôn bán nhưng họ còn chân chất lắm, không lấy lợi nhuận làm yếu tố hàng đầu. Họ chăm chút cho từng nguyên liệu, mong muốn mang lại điều gì đó dễ thương cho thực khách. Đơn giản vì họ không phân biệt "người và ta". Gia đình họ ăn uống sạch sẽ, tươm tất thì mong muốn thực khách cũng được đối xử giống vậy. Và tôi luôn tin, những điều tốt đẹp sẽ đến với những người biết quan tâm và chia sẻ với người khác như thế. Sẽ không sai đâu mà.

*Nguồn hình: vanhoamientaycom.wordpress.com

Monday, August 5, 2019

#Saigon - Cà phê Sài Gòn ngày mưa

Có lẽ nhìn vào tựa bài viết, mọi người sẽ nghĩ đến một điều gì đó khá lãng mạn = cà phê + mưa hay một review quán cà phê nào đó. Nhưng... đó không phải nội dung thật sự đâu. Như mọi khi, tôi chỉ muốn chia sẻ trải nghiệm cà phê ngày mưa của chính mình mà thôi.

Phát hiện ra quán cà phê T Coffee ở đường Võ Văn Tần cũng vô cùng tình cờ. Đi làm về, đi Go Viet ra Bánh Mì Sáu Minh mua bánh mì, một ít sốt mayonnaise và pa-tê cho Mẹ. Sau đó tôi thấy khát nước nên muốn tìm một quán cà phê gần đó để ngồi thưởng thức một ly cà phê và nghỉ chân (tưởng tượng mình như một "hiệp khách giang hồ" chăng? :D). Chỉ đơn giản là đi bộ mãi về phía trước, và chờ đợi quán cà phê đầu tiên mình nhìn thấy. Như được khuyến mãi, ko phải 1 mà là tận 2 quán cà phê xuất hiện trước mặt tôi. Quán bên kia đường là The Coffee House, và ngay trước mặt là một quán cà phê với cái tên khá lạ T Coffee. Tôi đắn đo một lúc, vì độ nổi tiếng và phổ biến của The Coffee House là hơn hẳn và mình thuộc tuýp người cũng yêu thích những điều quen thuộc. Nhưng may sao, hôm đó một phần lười băng qua đường, một phần cũng muốn khám phá quán cà phê mới nên đã chọn T Coffee.

Lúc mới bước vào, trời mưa lất phất, tôi quyết định thử một món nước lạnh và lần này là một ly mocha đá xay. Trời bắt đầu mưa to hơn trong lúc tôi ngồi đợi nước. Mưa Sài Gòn với tôi lại là một điều gì đó rất đặc biệt. Cũng là mưa, nhưng sao mưa ở Cao Lãnh, Sa Đéc... rất khác, có phần mang lại cảm giác hơi trống vắng. Có lẽ vì sinh ra, lớn lên ở Sài Gòn nên trong mắt tôi, Sài Gòn không phải là một thành phố phồn hoa (nhìn theo cách tích cực) hay "xô bồ xô bộn" (nhìn theo cách tiêu cực), mà đơn giản đó là quê hương tôi, là Hòn Ngọc Viễn Đông trong lòng tôi - vẫn mang trong mình những nét đẹp của ngày tháng cũ dù trải qua bao nhiêu đổi thay của thời cuộc. Quan trọng là bạn có nhận ra không mà thôi. Ở đâu cũng có người xấu và người tốt, ngay ở Thụy Sĩ cũng có thể mất bóp mà không rõ lý do là gì cơ mà. À, quay lại với mưa Sài Gòn và mưa nơi-khác. Đường Sài Gòn tầm 8-9h tối không bao giờ vắng cả, mưa cũng chỉ hơi ngơi xe cộ qua lại một chút mà thôi. Chắc giống như những bà mẹ "cuồng" con của mình, tôi cũng "cuồng" Sài Gòn y như vậy.

Từ quán cà phê, tôi vừa nhâm nhi ly cà phê đá xay vừa gọi vừa nhìn ra cửa kính. Ấn tượng về quán là quá tốt, khi nhân viên thân thiện, món nước được trang trí đẹp và trang nhã hơn cả mong đợi ban đầu. Đúng như thói quen, khi mua bất cứ gì, dù là ly cà phê, một con dao bếp hay một chiếc điện thoại, mình thật sự chỉ quan tâm đến cái mà mình nhận được có xứng đáng với số tiền mình bỏ ra hay chưa, chứ không so sánh đơn thuần về giá của sản phẩm thương hiệu A và B. Điều quan trọng nhất, chỉ cần người bán, nhà sản xuất cho tôi thấy họ có tâm và có chú ý đến cảm nhận của khách hàng thì tôi sẽ nhanh chóng trở thành "khách hàng thân thiết", ủng hộ và giới thiệu cho bạn bè và người quen. Vì thế, tôi đã để links Foody cho độc giả nào muốn đến thử những điểm ăn uống (Bánh Mì - Cà Phê) mà mình nhắc đến trong bài viết. Đơn giản vì tất cả điều đó góp lại đã tạo nên hình ảnh một Sài Gòn của tôi, không thể lẫn lộn với một nơi nào khác được.

Còn gì thư giãn hơn là vừa thưởng thức một ly cà phê thơm ngon, vừa ngắm Sài Gòn trong màn mưa. Không khí như mát lạnh hơn. Đơn giản là chỉ ngồi đó, không làm gì cả - chỉ ngắm con đường, xe cộ và quan sát những người khách ngồi cùng như một cách quay lại với thực tại. Có người hẹn với bạn, có người cũng đi một mình như tôi. Một hạnh phúc thật đơn giản mà may mắn tôi cảm nhận được nó trong khoảnh khắc này. Đối diện quán là nhà sách Cá Chép với một kiểu kiến trúc năng động và hiện đại. Nghĩ lại, có thể đó cũng chính là một trong những nguyên nhân kéo các bạn trẻ trở lại với sách - người bạn tâm giao và thuốc bổ cho tâm hồn. Lại là một niềm vui nho nhỏ trong lúc ngắm nhìn Sài Gòn.

Cám ơn Sài Gòn của tôi, vẫn những con đường quen thuộc, từng hàng cây, từng tiệm bánh mì, từng quán cà phê và những con người sống ở đây qua bao thế hệ đã tạo nền một nét rất riêng cho thành phố này...






Saturday, May 4, 2019

#AmThuc - "Xúc Xích" Việt Nam (Chả Lụa)

Vì bản thân luôn bị cuốn hút bởi những nền văn hóa - sự khác nhau cũng như sự tương đồng một cách ngẫu nhiên - hôm nay tôi lại muốn viết về món ăn truyền thống Việt Nam theo một góc nhìn khác.
Chả Lụa Việt Nam

Khi nhắc đến Xúc Xích, phần lớn người châu Á sẽ nghĩ đến thịt xay nhuyễn được nhồi vào trong ruột heo phơi khô hay ruột nhân tạo có chức năng tương tự. Điều đó đúng trong phần lớn các trường hợp, kể cả món lạp xưởng yêu thích của tôi. Và trước đây, khi nghĩ về Chả Lụa thì tôi chỉ nghĩ đó là Chả Lụa, đơn giản vậy thôi. Nhưng kể từ khi tôi cố gắng tìm cách phiên dịch món ăn ngon lành này cho những người bạn nước ngoài thì tôi biết Chả Lụa thì ra cũng là một loại Xúc Xích - chỉ là được gói trong lá chuối. Có lẽ đây là điều làm nên hương vị vô cùng đặc biệt của Chả Lụa. Khi giò sống (thịt heo quết hay xay nhuyễn) được gói trong lá chuối và sau đó được nấu chín, mùi thơm của lá chuối sẽ thấm vào đòn chả, đồng thời đóng vai trò làm lớp vỏ định hình. Vậy lớp vỏ là chuối đã làm thêm được một chức năng nữa là nguyên liệu tạo mùi hoàn toàn tự nhiên - Đây thực sự là sáng tạo xuất sắc của người Việt. So với người châu Âu mà cụ thể là người Đức, có thể chúng ta không có nhiều loại Xúc Xích bằng (không kể lạp xưởng vì theo quan điểm cá nhân tôi thì đó là một món ăn có  nguồn gốc từ Trung Quốc do những người Hoa mang đến khi di cư sang Việt Nam mình), nhưng những người bà con của Chả Lụa như Chả Chiên, Chả Quế đều là những món đặc sản độc đáo của riêng Việt Nam.

Và một điều thú vị khác tôi vừa "khám phá" ra đó là ở châu Âu hay Mỹ, người ta hay ăn xúc xích kẹp trong bánh hot dog hay ăn chung với khoai tây nghiền, nướng hay chiên hoặc đơn giản là ăn nó như là một món dùng kèm với bia. Nhưng Chả Lụa thì lại rất ít khi được dùng chung với cơm (trừ khi là số Chả Lụa còn lại từ ngày hôm trước được đem đi kho ;)) mà lại là một món ăn kèm không thể thiếu trong rất nhiều món ăn Việt Nam như bánh mì, bánh dày, bánh cuốn, bánh ướt, xôi... Thật dễ thương làm sao khi một món ăn tưởng chừng như đơn giản này lại có thể làm điểm nhấn cho vô số món ăn khác như thế.

Cách đây nhiều năm, khi còn là sinh viên ngôn ngữ, tôi đã đọc được câu nói trong sách giáo khoa đại ý rằng hãy đi xa để có đủ khoảng cách nhìn lại nền văn hóa nơi mình sinh ra và lớn lên. Giờ càng ngẫm lại, càng thấy đúng làm sao. Khi sống ở Sài Gòn, khi mà có thể tìm được Chả Lụa, cơm, nước mắm... ở mọi góc phố con đường và mọi thời khắc trong ngày thì có lẽ ta chưa thấy yêu quý và không hề nói quá quá khi dùng từ trân trọng những món ăn đơn giản này. Nhớ lại khoảng thời gian không dài ở Aachen, tôi thỉnh thoảng cứ mỉm cười vì chính khi đó, tôi mới biết cảm giác nhớ da diết cơm, nước mắm và những món ăn Mẹ thường nấu lúc còn ở nhà nó "khổ sở" như thế nào. Nói về cơm, gạo dài Ý mua được bên đó ăn cũng khác lạ và không giống với những hạt cơm có phần mũm mĩm và dẻo thơm ở nhà.

Một ngày còn là người Việt Nam, tôi luôn tự nhủ, sẽ yêu quê hương mình và yêu người Việt mình nhiều hơn mỗi ngày - đương nhiên theo cách của riêng tôi. ;)

*Nguồn hình: thucthan.com


Sunday, April 7, 2019

#AmThuc - Lạc Xá và Laksa

Laksa (phiên bản Malaysia)

Quay trở lại với những món ăn của ngày xưa cũ - Một ngày đẹp trời tôi thử lên Google tìm thử xem có bài viết nào về món Lạc Xá mà ngày còn nhỏ Mẹ hay nấu cho cả nhà ăn hay không. Thật bất ngờ, ở Việt Nam giờ cũng không nhiều người còn biết về món ăn này, ngoại trừ một vài trang dạy làm món chay (ắt hẳn của các cô chú lớn tuổi thế hệ của Mẹ vẫn còn nhớ đến nó). Thế nên giờ tôi mạn phép được giới thiệu phiên bản Lạc Xá của Bà Ngoại truyền lại cho Mẹ, giờ là đến lượt tôi.

Từ nhỏ đến lớn, tôi cứ biết Lạc Xá đơn giản là Lạc Xá, cũng không rõ và chú ý tìm hiểu xem nguồn gốc món ăn này là từ đâu. Cho đến một hôm tình cờ được xem trên một kênh truyền hình nấu ăn Châu Á mới ngạc nhiên vô cùng khi biết thật ra Lạc Xá là món đặc trưng và được yêu thích vô cùng của Malaysia và Singapore. Chợt bất giác mỉm cười nhẹ và à lên một tiếng đầy thích thú, vì cuối cùng tôi cũng biết "quê hương" của món ăn mà mình rất yêu thích. Qua tìm hiểu thêm, đây vốn là một món  ăn do những người Hoa di cư đến các nước Đông Nam Á (Malaysia, Singapore, Indonesia, Thái Lan...) đã sáng tạo ra. Theo ý kiến cá nhân, tôi nghĩ Lạc Xá chính là sự pha trộn hài hòa của phong cách ẩm thực Trung Hoa và bản địa, vì các nước Đông Nam Á kể trên đều chịu ảnh hưởng phần nào của văn hóa Ấn Độ, vốn nấu ăn với nhiều loại gia vị và ưa thích màu vàng nghệ trong các món ăn của mình. Cũng giống như món Lạc Xá Việt Nam, họ cũng có tôm, nước cốt dừa, bột nghệ nhưng còn có thêm cả bột cà ry, sa tế và nước cốt me dầm ăn kèm dưa leo băm sợi cùng hoa gừng xắt nhuyễn, kể cũng thật thú vị làm sao!

Tạm ổn với món Lạc Xá "phiên bản quốc tế", đã đến lúc quay trở lại với món Lạc Xá của Ngoại. Giống như mì quảng có nhiều phiên bản, có thể nấu với sườn, gà hay tôm tùy sở thích và thói quen gia đình, món Lạc Xá tuổi thơ của chúng tôi không giống hoàn toàn với người bà con ở Malaysia hay Singapore. Món ăn của chúng tôi khá đơn giản, không quá cầu kỳ. Đương nhiên nguyên 3 nguyên liệu quan trọng nhất sẽ là nước cốt dừa (không phải "sữa dừa" - một từ xa lạ được dịch quá "trực tiếp" từ tiếng Anh, tôi không nghĩ người Việt mình lại có khái niệm như thế), tôm tươi và bún sợi nhuyễn. Rau ăn kèm thường là hành lá xắt nguyễn, một ít giá, rau muống bào và rau húng cây (không phải húng quế ăn phở nhé :)) Còn một bí quyết cho nước lèo thêm ngọt mà Mẹ thường nhắc tôi đó là tôm khô được nấu kỹ cho ra hết nước ngọt. Nguyên liệu tuy đơn giản vậy nhưng thành quả sau cùng là một món ăn ngon đến khó quên như sau: 

Nước lèo màu vàng ươm đẹp mắt nhờ bột nghệ, ngọt lịm nhờ tôm tươi băm, tôm khô và thơm béo vị nước cốt dừa. Nếu thích cay, có thể cho vài lát ớt xắt để tăng thêm hương vị. Và tôi nhớ, nếu không có sẵn tôm tươi thì Mẹ có thể thay bằng cá ba sa phi lê - Tôi đoán cá lóc chắc không hợp lắm, vì vị nó quá đặc trưng. Nói một cách khác, Lạc Xá Việt Nam tuy có lẽ cũng được những người Hoa mang đến - vì nhà Ngoại tôi cũng là người gốc Hoa mà - nhưng nó cũng được bản địa hóa theo phong cách Việt Nam, có phần thanh đạm và dễ nấu hơn bản Malaysia.

Còn các bạn thì sao? Nếu nhà bạn nào cũng có một phiên bản Lạc Xá của riêng mình, xin hãy chia sẻ cùng mọi người ở mục Comment. Xin cám ơn :D

*Nguồn hình: https://heatherchristo.com

Saturday, April 6, 2019

#AmThucTamHon - Viết để làm gì?


Như CEO Trung Nguyên từng đặt câu hỏi "Tiền nhiều để làm gì?", tôi cũng có một câu hỏi cho mình - "Viết để làm gì?", khi phát hiện ra đã bỏ quên trang blog này, trang blog của những ý tưởng và kỷ niệm. 

Trước tiên, có lẽ những dòng blog được viết ra chính là những lời tâm sự với chính bản thân mình và sau đó, chính là nhu cầu được chia sẻ trong tâm hồn. Là niềm vui không hề nhỏ khi biết từ những nơi xa xôi - Mỹ, Nhật, CH Séc... vẫn có những vị khách ghé thăm, dù là vô tình hay hữu ý. Chỉ cần nghĩ đến món cá muối sư tuổi thơ vẫn còn được tìm kiếm trên Google và ai đó tìm thấy bài viết của tôi - tìm thấy kỷ niệm về những ngày tháng cũ đã qua nhưng vẫn lắng đọng hoài trong ký ức mỗi khi nghĩ về... là tôi muốn tiếp tục viết, viết để sẻ chia, để mang niềm vui cho bản thân và những người xung quanh.

Nhu cầu được chia sẻ, thấu hiểu về tinh thần cũng quan trọng như nhu cầu chia sẻ về vật chất. Từng trải qua một thời sinh viên có thể nói là yên ả và thanh bình nên mãi đến khi bắt đầu đi làm, kiếm được những đồng tiền đầu tiên bằng chính đôi tay của mình, tôi mới hiểu được giá trị thực sự của tiền - để biết được nó không chỉ quan trọng đối với bản thân, gia đình mình mà còn đối với bất cứ ai đang cần nó. Từ khoảnh khắc nhận ra ấy (dù có là hơi trễ đi chăng nữa), tôi bắt đầu tìm đến đạo Phật, tìm đến con đường mang lại hạnh phúc cho chính mình và những người xung quanh, khi mình còn có thể. Tôi nhận ra sự thay đổi trong bản thân - cảm nhận được niềm hạnh phúc đến kỳ lạ khi vô tình nhìn thấy trên xe buýt một thanh niên trẻ tuổi với phong cách ăn mặc cool ngầu dìu một bà cụ xuống xe. Ngay cả khi mình không phải là nhân vật trong đó, không phải là người được giúp đỡ trực tiếp trong những câu chuyện đó, nhưng tôi luôn âm thầm cám ơn họ, những người tốt đã cho tôi thêm động lực để duy trì niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống. 

Sẽ không thể quên anh bộ đội mà chị em tôi và Mẹ đã gặp trên xe buýt năm nào đã nhường chỗ cho chúng tôi và cứu một người khách khác sắp bị cánh cửa xe kẹp trúng. Sẽ mãi nhớ đến anh người nước ngoài mà tôi vô tình "tông" thật mạnh khi đi siêu thị năm ấy. Vì mãi mê nghĩ đến một việc quan trọng (mà giờ tôi cũng ko còn nhớ là việc gì), tôi đã đi rất vội vã trong tư thế đầu ngoái hẳn ra sau. Không những không bực tức, anh đỡ tôi lại, nhìn thẳng vào mắt và hỏi một cách đầy ân cần xem tôi có bị làm sao không. Anh ấy là soái ca của riêng tôi, mặc dù phải thú nhận tôi cũng không yêu thích từ này cho lắm nếu nó được hiểu là những anh chàng đẹp trai và sành điệu mà ngoài điều đó ra, chúng ta không hề biết gì thêm về họ nữa. Chiếc áo đen sờn màu, phong cách ăn mặc có phần "bụi đời" của anh tôi vẫn còn nhớ. Đúng rồi, nếu một chiếc áo đẹp có thể làm cho người ta trở thành người tốt thì có lẽ tôi đã không thấy những nhà sư trong màu áo nâu sòng như thế.

Và tôi thật sự có nhu cầu được kể lại những câu chuyện mà mình biết, những trải nghiệm bản thân - với hy vọng sẽ mang lại sự đồng cảm, niềm vui cho những ai như tôi vậy. Và nếu có thể, họ lại mang chúng kể lại cho những người khác nữa... Chỉ cần như vậy thôi cũng là niềm vui

Tôi cũng cần gởi một lời cảm ơn chân thành đến những ai đã dành thời gian để cùng đọc, cùng suy nghĩ, chia sẻ những tâm tư, những điều tôi gởi gắm qua những bài viết của mình. Xin cám ơn rất nhiều và tặng bạn những bông hoa do chính tôi chụp bằng điện thoại trong một chuyến đi (lần này không cần phải để nguồn hình rồi :)))