Saturday, December 31, 2016

#CaPhe - Latte Macchiato

Trong bài viết lần trước, tôi đã có dịp giới thiệu cà phê *espresso, hôm nay sẽ là một người bạn khác trong  gia đình cà phê phong cách Ý - latte macchiato.

Latte macchiato - trong tiếng Ý có nghĩa là "sữa đốm"- là một thức uống nóng chế biến từ cà phê esrpesso và sữa tương tự như món cà phê sữa nhưng chứa nhiều sữa hơn và cà phê được rang đậm màu hơn. Ở Ý, cà phê latte macchiato được phục vụ trong một ly gồm sữa pha với espresso. Tuy nhiên, ở những nơi có mật độ khách du lịch dày đặc như phía Nam dãy núi Alpe, người ta thường thấy phiên bản gồm cà phê và sữa được chia thành nhiều tầng.

Ở phiên bản gốc, để có một ly matte macchiato, người ta chỉ cần đổ espresso vào một ly sữa nóng, không có sự chia tầng sữa và cà phê. Theo thời gian, người ta còn trang trí ly matte macchiato bằng bột ca cao hay bột quế trên bề mặt thức uống. Ở những quốc gia nói tiếng Đức, cà phê matte macchiato được phục vụ trong một ly thủy tinh cao và gồm 3 tầng. Tầng dưới cùng là sữa nóng, tầng giữa là espresso và tầng trên cùng là bọt sữa đánh. Espresso có khối lượng riêng nhẹ hơn sữa nên nối lên phía trên. Điều cần lưu ý khi pha chế là giữ cho espresso nóng hơn sữa để espresso không bị hòa tan vào sữa. Bọt sữa đánh chứa nhiều không khí bên trong sẽ ở phía trên tầng espresso.

Ở các nhà hàng, thức uống này được dọn kèm với muỗng cán dài (có khi là muỗng ăn kem). Ở quê hương của mình - nước Ý - matte lacchiato được phục vụ với ống hút. Bằng cách này thì các tầng sữa và cà phê sẽ không bị hòa lẫn vào nhau.

Ở Việt Nam, theo quan sát của mình, latte macchiato là thức uống yêu thích của các chị em vì nó có lượng coffein khá ít. Nhớ có lần tôi cùng em gái uống cà phê ở The Coffe Factory, chị *barista dễ thương cẩn thận hỏi lại tôi có phải muốn gọi một ly latte macchiato thay vì một ly cappuccino như đã nói lúc nãy không. Tôi cười và lắc đầu vì trước giờ, thức uống cà phê yêu thích của tôi là cappuccino chứ không phải là latte macchiato :)

*espresso: thức uống cà phê (không sữa) đặc trưng bới lớp creme sánh màu cánh gián được pha bằng máy dưới áp suất 9 bar.
*barista: nhân viên pha chế thức uống cà phê

Nguồn tham khảo: https://de.wikipedia.org/wiki/Latte_macchiato
Nguồn hình: http://caberawitonline.com

Friday, December 30, 2016

#SaiGon - Sài Gòn Ngày Se Lạnh

Thông thường thì bài viết nào của tôi cũng có hình minh họa cho thêm phần sống động... Nhưng có lẽ những bài về Sài Gòn sẽ là ngoại lệ. Sài Gòn qua bao nhiêu thăng trầm cùng thời gian vẫn là Sài Gòn - của bạn, của tôi và của mọi người. Nhưng chắc rằng trong mỗi người chúng ta hình ảnh Sài Gòn có những nét riêng. Vì vậy, tôi muốn để người đọc tưởng tượng và hy vọng rằng họ cũng sẽ tìm thấy mình trong đó.

Gần Tết rồi, sáng nào trời cũng khá "lạnh", cái lạnh mà tôi không thể tìm thấy được ở một nơi nào khác. Khi qua Đức, ở thành phố Köln, trời gió rất lớn muốn thổi bay cả người. Nhưng may là nhiệt độ lúc đó không xuống quá thấp, chỉ một chiếc áo khoác cũng làm tôi đủ ấm. Cách đây nhiều năm, nhân dịp ra Hà Nội vào những ngày tháng 10, tôi cũng có cơ hội trải nghiệm cái lạnh cuối thu ở đó. Hơi lạnh như len vào từng lớp vải, cảm giác như cắt da thịt. Theo lời kể của những người bạn sống miền Bắc, cái lạnh đó chưa thấm vào đâu so với những ngày đông giá rét. Có lẽ tôi là người Sài Gòn nên chịu lạnh có phần dở hơn chăng?! Với riêng tôi, cái lạnh ở Sài Gòn là cái lạnh "vừa đủ" mang lại cảm giác dễ chịu, thoải mái và trong lành. Trong buổi sớm tinh mơ, tất cả mùi hương của phố xá Sài Gòn - mùi cây cỏ ban mai, mùi thơm tỏa ra từ các hàng quán bán thức ăn sáng, mùi cà phê phin từ các quán cà phê nhỏ bên đường... - hòa quyện cùng với tiếng nói cười xôn xao cùng cảnh tượng người người tất bật đi làm trên những chiếc xe máy. Trong cái lạnh dịu dàng đó luôn có chút nắng nhẹ, không hề âm u như những ngày lạnh do ảnh hưởng bão vùng xa.

Không khí lạnh đó luôn gợi nhớ đến những cái Tết Sài Gòn. Đường xá vắng hẳn so với thường ngày. Tuy nhiên, là một người Sài Gòn, sự vắng vẻ đó với tôi không mang dáng dấp của một nỗi buồn nào cả. Có lẽ hơi ích kỷ, nhưng chỉ khi đó tôi mới cảm nhận hết được vẻ đẹp giản dị và hồn hậu của Sài Gòn, vẻ đẹp vốn có của đô thị này hàng thập kỷ về trước mà tôi được biết qua lời kể của ba mẹ mà bây giờ nghe chừng đã phôi phai ít nhiều giữa bao nhiêu xô bồ của cuộc sống và vấn nạn ô nhiễm môi trường. Điều này không ít lần đã làm tôi buồn và suy nghĩ rất nhiều. Nhưng... có như thế tôi lại càng phải biết trân trọng hiện tại và những giây phút mình được tận hưởng cái không khí se lạnh ngày cận Tết của Sài Gòn. Mùi khói hương, mùi trái cây, mùi hoa vạn thọ ngày Tết và vang xa xa đôi khi là tiếng kinh cầu an làm lòng mình bình an đến lạ.

Thời gian gần đây trời se lạnh nên sáng nào cũng muốn "nướng bánh" thêm một xíu. Nhưng còn một ngày nữa là năm mới 2017 đến rồi. Một năm 2016 với biết bao điều vui buồn, bao nhiêu ký niệm không thể nào quên sắp qua đi. Hy vọng là tôi có thể bỏ lại những gì chưa tốt của bản thân để mình có thể ngẩng cao đầu bước sang năm mới và ngày càng hoàn thiện hơn. Niềm vui  chân thật chỉ có thể đến khi sống với thực tại và chia sẻ những gì mình có, mặc dù biết rằng điều đó không phải lúc nào cũng có thể dễ dàng thực hiện được. Người Sài Gòn nhân hậu, hào hiệp và cởi mở với những điều mới mẻ - tiếp thu những điều tích cực và để những điều tiêu cực tự đào thải cùng với thời gian. Với niềm tự hào là một người Sài Gòn thật sự, tôi sẽ giữ đúng những gì mình cam kết với bản thân và với thành phố Sài Gòn mà tôi yêu hết bằng cả trái tim mình.

Sunday, December 25, 2016

#CaPhe - Cà Phê Phin Việt Nam và Cà Phê Espresso


Một ngày đẹp trời, trong lúc đi uống cà phê ở quán, đứa em gái ngây thơ của tôi hỏi vu vơ: "Ủa chị Thùy, espresso là cà phê đen đó hả chị?" Lúc đó tôi vừa mắc cười muốn té ghế, vừa ngây người ra một lúc không biết nên trả lời sao cho đúng và dễ hiểu. Nhìn "sản phẩm" cuối cùng thì em cũng có lý đó chứ vì cà phê đen là cà phê không pha với sữa, đúng không nào? :) Nhưng thật ra là chưa đúng, vì tôi biết ý em tôi đang nói đến cà phê đen pha kiểu truyền thống bằng phin.


Cà phê phin tôi mạn phép không nói nhiều ở đây vì nó đã quá quen thuộc với mỗi người Việt Nam, mỗi người Sài Gòn. Nhưng đúng là ban đầu tôi cũng có câu hỏi tương tự như Thúy vậy. Qua tìm hiểu, tôi à lên ngạc nhiên biết rằng espresso và cà phê phin Việt Nam là hai phương pháp pha cà phê.

Espresso là một phương pháp pha cà phê có nguồn gốc từ Milan, một thành phố xinh đẹp ở Ý. Bột cà phê xay mịn từ hạt cà phê rang đậm màu được nén dưới áp suất 9 bar trong 25 giây bằng máy pha cà phê chuyên dụng. Nước trong quá trình pha đạt nhiệt độ từ 88 độ C đến 94 độ C. Phương pháp pha này cho ra một ly cà phê với lớp creme sánh đặc trưng màu hạt hazelnut với hương thơm quyến rũ. Do hạt cà phê được rang đậm màu, lượng coffein trong bột cà phê ít hơn so với loại dùng cho cà phê phin. Tương ứng thì lượng coffein trong mỗi ly cà phê pha theo phương pháp espresso ít hơn so với ly cà phê pha phin. Nguyên nhân dẫn đến điều này là khi pha espresso, chúng ta dùng ít nước hơn (25 ml) so với khi pha phin (125 ml). Do tính chất tan trong dầu của mình, coffein được chiết xuất ra ít hơn trong quá trình pha espresso (nước tiếp xúc với bột cà phê khoảng 20 giây - ngắn hơn) so với quá trình pha phin (khoảng 1 phút - dài hơn).

Cà phê espresso được phục vụ trong ly nhỏ, có thành ly dày và được hâm nóng trước với thể tích 40 ml. Người dùng có thể thêm đường hoặc không tùy ý thích. Cà phê espresso còn thường được phục vụ với một ly nước kèm theo.

Espresso là phương pháp pha cà phê phổ biến nhất ở các nước Nam Âu như Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp. Ở những nước này, khi khách du lịch gọi một ly cà phê thì họ sẽ nhận được một ly cà phê espresso :)

So với cà phê phin thì cà phê espresso ít đắng hơn do quá trình rang hạt cà phê đậm màu. Hạt cà phê robusta chiếm tỉ lệ cao hơn trong thành phần cà phê dùng để pha espresso. Thông quá quá trình rang lâu hơn, hạt cà phê mất đi vị chua của mình nhiều hơn là cà phê rang sáng màu dùng cho cà phê phin.

Nguồn tham khảo: https://de.wikipedia.org/wiki/Espresso
Nguồn ảnh: http://www.totdining.com/

Sunday, October 30, 2016

#VietNam - Người Việt - Hàng Việt

"Hàng Việt Nam" – mỗi lần 3 từ này được viết trong các bài báo, được xướng lên trong các chương trình quảng cáo hay tuyên truyền đều gợi trong tôi nhiều suy nghĩ và cảm xúc. Quan trọng hơn hết vẫn là cảm giác xúc động và tự hào khi được cầm trên tay, được sử dụng hàng Việt Nam của nhà sản xuất Việt nam và dùng nguyên liệu của Việt Nam.

Mỗi khi lang thang trong siêu thị, tôi thường ghé lại quầy hàng đồ hộp để chọn cho mình một hộp trái vải ngâm nước đường của Việt Nam. Là người Việt Nam, chúng ta nên tự hào đất nước mình là một trong những vùng đất lý tưởng nhất để trồng được những trái vải dày cơm và thơm ngon vô cùng. Bản thân đã từng thử qua vải hộp Thái Lan và Trung Quốc, tôi vẫn thấy vải Việt Nam là có mùi vị đậm đà và khó quên hơn cả. Ngoài việc được thưởng thức vải ngon, tôi còn có thể trực tiếp ủng hộ những người nông dân trồng vải và nhà sản xuất vải. Tuy nhiên tôi cũng không khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến mỗi khi vải được mùa thì khắp mọi nơi đều “tràn ngập” vải. Ngay tại quê hương của chúng, giá bán một ký chỉ vài nghìn đồng. Nhiều cơ quan chức năng, nhiều nhà khoa học đã nói về việc mở rộng thị trường xuất khẩu vải tươi nhưng lại ít khi nghe nói đến việc phải gia tăng giá trị cho loại trái cây này và phát triển hơn nữa thị trường trong nước. Theo thiển ý bản thân, ngoài sản xuất vải đóng hộp, tại sao chúng ta không thử sản xuất nước ép vải, sáng tạo thêm các món ngọt như chè, bánh với nguyên liệu là vải khô cho người tiêu dùng trong nước và chiết xuất vải cô đặc cho thị trường xuất khẩu? Khi có dịp trò chuyện với những người bạn châu Âu, họ thường kể với tôi rất thích uống các loại cocktail hay nước trái cây hỗn hợp từ vải và các loại trái cây khác nhưng không ăn như bên mình vì vải có mùi vị khá mạnh đối với họ. Đôi khi yêu nước không cần phải hô hào, không cần phải làm những việc quá vĩ mô mà nên gắn liền với cuộc sống của đồng bào mình và những đặc sản quê hương mình, làm cho chúng trở nên giá trị hơn và cải thiện đời sống cho những ai gắn bó cả cuộc đời với nó.

Tâm lý người Việt mình thường chuộng các mặt hàng tiêu dùng của các nhà sản xuất nước ngoài. Nói thật, tôi cũng không phải ngoại lệ. Nhưng không phải tâm lý sính ngoại mà là vì lý do sức khỏe và an toàn do những sản phẩm này chủ yếu là thực phẩm, mỹ phẩm và chất tẩy rửa. Nhiều năm nay, gia đình tôi sử dụng một nhãn hiệu nước rửa chén của một tập đoàn quốc tế quen thuộc cho đến khi tôi muốn tìm cho mình một loại nước rửa chén với giá thấp hơn để giặt khăn lau chùi trong bếp. Thế là tôi quyết định thử Mỹ Hảo, một nhãn hàng của Việt Nam. Ngạc nhiên thay, tuy mẫu mã còn chưa bắt mắt, mùi thơm cũng không dễ chịu bằng nhưng khả năng tẩy rửa và độ êm dịu với da tay thì ngang ngửa, thậm chí còn nhỉnh hơn loại nước rửa chén quen thuộc của nước ngoài kia. Bọt thì vừa phải, không nhiều cũng không ít làm tôi không phải tốn quá nhiều nước để rửa sạch như trước. Tôi bỗng tặc lưỡi cảm thấy tiếc cho nhãn hàng trong nước ấy chỉ vì mẫu mã và marketing chưa được chú trọng và đầu tư đúng mức mà mất đi ít nhiều khả năng cạnh tranh ở ngay thị trường trong nước. Người Việt chúng ta có câu “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” đến giờ vẫn còn nguyên giá trị của nó. Nhưng thiết nghĩ, giữa cuộc sống bộn bề những lo toan, khi con người phải “sống vội” hàng ngày thì vấn đề mẫu mã và quảng bá sản phẩm đóng vai trò rất quan trọng. Chưa cần biết sản phẩm tốt như thế nào nhưng chúng ta thường có xu hướng chọn những sản phẩm có mẫu mã thật đẹp, được quảng cáo nhiều lần trên các phương tiện truyền thông và có khuyến mãi lớn. Xét về khía cạnh này thì hàng hóa trong nước của chúng ta có phần yếu thế hơn hàng hóa của các tập đoàn đa quốc gia có tiềm lực lớn về kinh tế.

Câu chuyện của nhãn hàng nước rửa chén Mỹ Hảo làm tôi lại nhớ đến Biti's, nhãn hiệu giày quen thuộc với người Việt Nam qua nhiều thế hệ. Đã có thời gian, công ty giày này lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng về mẫu mã. Một số người tiêu dùng trung thành quay lưng đi, họ chấp nhận mua những loại giày dép Trung Quốc tuy chất lượng kém hơn hẳn nhưng lại vô cùng đa dạng về kích thước và mẫu mã. Đã từng thử qua vài đôi giày Trung Quốc, tôi thật sự rất thất vọng về độ bền của chúng. Đôi "tốt" nhất mang được 6 tháng, còn đôi tệ hơn thì khoảng 3 tháng là sứt keo, rạn nứt các thể loại. Rất may trong thời gian gần đây Biti's đã lấy lại được vị thế của mình ở thị trường trong nước. Người ta bắt đầu thấy nhiều quảng cáo giày thể thao Biti's hơn trên Internet, thấy sự chuyển mình rõ rệt về thiết kế - hiện đại và trẻ trung hơn, thậm chí có thể cạnh tranh với các nhãn hiệu nổi tiếng quốc tế (đặc biệt là về giá) vì chất lượng là tương tự nhau. Cách đây khoảng nửa năm, tôi đã mua cho mình một đôi giày thể thao Biti's rất dễ thương. Để mua được một đôi giày hàng hiệu (cho dù là được gia công tại Trung Quốc - công xưởng của thế giới), tôi phải bỏ ra ít nhất là gấp đôi số tiền ấy. Điều đó cũng hợp lý vì họ bán cả thương  hiệu được gầy dựng cả nhiều thập kỷ. Nhưng với tư cách là người tiêu dùng Việt Nam, tôi hạnh phúc và hoàn toàn hài lòng với lựa chọn của mình khi dùng giày Biti's. Giày rất bền và đi vô cùng êm chân. Lúc đó, những ký ức tuổi thơ lại ùa về trong tôi vì lúc nhỏ, tất cả giày dép ba mua cho tôi đều là của thương hiệu này.

Nhiều năm trước, tôi có tự đặt câu hỏi cho mình tại sao các tập đoàn Mỹ và châu Âu lại khó chen chân vào thị trường nội địa của Nhật Bản và Hàn Quốc. Thống trị thị trường trong nước vẫn luôn là Sony, Toyota, Samung hay Hyundai. Đến giờ câu hỏi đó đã được giải đáp rõ ràng. Tinh thần tự tôn dân tộc và tương thân tương ái của người Nhật và Hàn Quốc là rất cao. Ủng hộ hàng hóa của các nhà sản xuất trong nước vừa có thể giúp các doanh nghiệp tăng thêm lợi nhuận và vốn để tái đầu tư phát triển sản phẩm, gia tăng sức cạnh tranh với các công ty nước ngoài và vừa tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia nói chung. Họ không phải làm điều đó một cách ngẫu nhiên mà thiết nghĩ đó là một ý thức của cả một dân tộc được giáo dục qua nhiều thế hệ. Nhưng tin rằng không chỉ họ mới có thể làm được điều đó. Tôi là người Việt Nam và tôi cũng có thể làm được! Thậm chí bằng sự quyết tâm và kiên trì của mình, tôi tin rằng mình sẽ là ví dụ sinh động nhất thuyết phục được gia đình, bạn bè và đồng nghiệp cũng xây dựng được ý thức như thế. Bây giờ, trước khi lựa chọn bất kỳ một sản phẩm nào, tôi luôn đặt cho mình câu hỏi đó là có doanh nghiệp Việt Nam nào sản xuất cùng loại mặt hàng đó với chất lượng tương đương hay không. Khi ấy, mẫu mã chỉ là yếu tố phụ. Khi mua sản phẩm Việt đó, tôi cho mình cơ hội thể hiện lòng yêu nước một cách cụ thể nhất và cũng cho nhà sản xuất cơ hội giới thiệu sản phẩm của mình với người tiêu dùng. Quy luật thị trường về chất lượng là tất yếu, tôi đương nhiên không ép buộc mình lúc nào cũng phải chọn hàng hóa Việt Nam, nhưng tôi tin, với ý thức của mình thì ít nhất hàng hóa Việt Nam bao giờ cũng phải có “hệ số ưu tiên” nhất định.

Ngày nay, ý thức được nói đến nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông: “ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng”, “ý thức cộng đồng”, “ý thức tham gia giao thông”… Với vài dòng bài viết của mình, tôi xin mạn phép được nhắc đến “ý thức dùng hàng Việt Nam”. Là người Việt Nam, chúng ta còn không thể quan tâm, đặt lòng tin và lựa chọn sử dụng hàng Việt thì mong gì hàng Việt có thể được yêu chuộng ở thị trường quốc tế? Ở đây tôi sẽ không đề cập đến những doanh nghiệp làm ăn gian dối, sản xuất sản phẩm kém chất lượng hay lừa đảo khách hàng. Mọi cuộc chơi đều có quy luật riêng của nó và những doanh nghiệp này sẽ tự động bị đào thải khỏi thị trường mà thôi.

Không biết quý độc giả có cùng suy nghĩ như tôi hay không? Nếu có, chúng ta hãy bắt tay vào thực hiện ngay từ bây giờ nhé!

#MeinSaigon - Một Quyết Định Táo Bạo

Vốn là người không mấy thiết tha với Facebook và các trang mạng xã hội khác, nhưng tôi lại vô cùng có hứng thú với blog. Sau khi đọc bài báo của chị Trác Thúy Miêu về cà phê Sài Gòn, tôi cũng mong ước mình làm một chút gì đó cho Sài Gòn. Và một ý tưởng "táo bạo" đã đến: Tạo ra một trang blog để có dịp chia sẻ mọi suy nghĩ, tâm tư, tình cảm về Sài Gòn, quê hương mình - nơi tôi sinh ra, lớn lên và có biết bao kỷ niệm vui buồn ở đó. Từng góc đường, từng hàng cây luôn gợi nhắc trong tôi những hình ảnh, âm thanh của ngày xưa cũ. Sài Gòn vẫn luôn là Sài Gòn, trong mắt tôi có lẽ chưa bao giờ thay đổi dù thời gian có trôi qua và người ta dành cho nó bao nhiêu cái tên mới đi chăng nữa...

Có thể tôi chưa làm được điều gì quá lớn lao cho Sài Gòn, nhưng hy vọng với những bài viết ngắn của mình, những người yêu Sài Gòn như tôi sẽ bắt gặp mình ở đó, tìm được niềm vui, tìm được những điều thú vị nho nhỏ giữa cuộc sống bộn bề ngày nay.

Nhân đây xin mạn phép chia sẻ cùng các bạn bài báo Thiếu cà phê phin, Sài Gòn sẽ thành đô thị không ký ức của nhà báo Trác Thúy Miêu.

(Nguồn: Zing News)