Sunday, October 30, 2016

#VietNam - Người Việt - Hàng Việt

"Hàng Việt Nam" – mỗi lần 3 từ này được viết trong các bài báo, được xướng lên trong các chương trình quảng cáo hay tuyên truyền đều gợi trong tôi nhiều suy nghĩ và cảm xúc. Quan trọng hơn hết vẫn là cảm giác xúc động và tự hào khi được cầm trên tay, được sử dụng hàng Việt Nam của nhà sản xuất Việt nam và dùng nguyên liệu của Việt Nam.

Mỗi khi lang thang trong siêu thị, tôi thường ghé lại quầy hàng đồ hộp để chọn cho mình một hộp trái vải ngâm nước đường của Việt Nam. Là người Việt Nam, chúng ta nên tự hào đất nước mình là một trong những vùng đất lý tưởng nhất để trồng được những trái vải dày cơm và thơm ngon vô cùng. Bản thân đã từng thử qua vải hộp Thái Lan và Trung Quốc, tôi vẫn thấy vải Việt Nam là có mùi vị đậm đà và khó quên hơn cả. Ngoài việc được thưởng thức vải ngon, tôi còn có thể trực tiếp ủng hộ những người nông dân trồng vải và nhà sản xuất vải. Tuy nhiên tôi cũng không khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến mỗi khi vải được mùa thì khắp mọi nơi đều “tràn ngập” vải. Ngay tại quê hương của chúng, giá bán một ký chỉ vài nghìn đồng. Nhiều cơ quan chức năng, nhiều nhà khoa học đã nói về việc mở rộng thị trường xuất khẩu vải tươi nhưng lại ít khi nghe nói đến việc phải gia tăng giá trị cho loại trái cây này và phát triển hơn nữa thị trường trong nước. Theo thiển ý bản thân, ngoài sản xuất vải đóng hộp, tại sao chúng ta không thử sản xuất nước ép vải, sáng tạo thêm các món ngọt như chè, bánh với nguyên liệu là vải khô cho người tiêu dùng trong nước và chiết xuất vải cô đặc cho thị trường xuất khẩu? Khi có dịp trò chuyện với những người bạn châu Âu, họ thường kể với tôi rất thích uống các loại cocktail hay nước trái cây hỗn hợp từ vải và các loại trái cây khác nhưng không ăn như bên mình vì vải có mùi vị khá mạnh đối với họ. Đôi khi yêu nước không cần phải hô hào, không cần phải làm những việc quá vĩ mô mà nên gắn liền với cuộc sống của đồng bào mình và những đặc sản quê hương mình, làm cho chúng trở nên giá trị hơn và cải thiện đời sống cho những ai gắn bó cả cuộc đời với nó.

Tâm lý người Việt mình thường chuộng các mặt hàng tiêu dùng của các nhà sản xuất nước ngoài. Nói thật, tôi cũng không phải ngoại lệ. Nhưng không phải tâm lý sính ngoại mà là vì lý do sức khỏe và an toàn do những sản phẩm này chủ yếu là thực phẩm, mỹ phẩm và chất tẩy rửa. Nhiều năm nay, gia đình tôi sử dụng một nhãn hiệu nước rửa chén của một tập đoàn quốc tế quen thuộc cho đến khi tôi muốn tìm cho mình một loại nước rửa chén với giá thấp hơn để giặt khăn lau chùi trong bếp. Thế là tôi quyết định thử Mỹ Hảo, một nhãn hàng của Việt Nam. Ngạc nhiên thay, tuy mẫu mã còn chưa bắt mắt, mùi thơm cũng không dễ chịu bằng nhưng khả năng tẩy rửa và độ êm dịu với da tay thì ngang ngửa, thậm chí còn nhỉnh hơn loại nước rửa chén quen thuộc của nước ngoài kia. Bọt thì vừa phải, không nhiều cũng không ít làm tôi không phải tốn quá nhiều nước để rửa sạch như trước. Tôi bỗng tặc lưỡi cảm thấy tiếc cho nhãn hàng trong nước ấy chỉ vì mẫu mã và marketing chưa được chú trọng và đầu tư đúng mức mà mất đi ít nhiều khả năng cạnh tranh ở ngay thị trường trong nước. Người Việt chúng ta có câu “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” đến giờ vẫn còn nguyên giá trị của nó. Nhưng thiết nghĩ, giữa cuộc sống bộn bề những lo toan, khi con người phải “sống vội” hàng ngày thì vấn đề mẫu mã và quảng bá sản phẩm đóng vai trò rất quan trọng. Chưa cần biết sản phẩm tốt như thế nào nhưng chúng ta thường có xu hướng chọn những sản phẩm có mẫu mã thật đẹp, được quảng cáo nhiều lần trên các phương tiện truyền thông và có khuyến mãi lớn. Xét về khía cạnh này thì hàng hóa trong nước của chúng ta có phần yếu thế hơn hàng hóa của các tập đoàn đa quốc gia có tiềm lực lớn về kinh tế.

Câu chuyện của nhãn hàng nước rửa chén Mỹ Hảo làm tôi lại nhớ đến Biti's, nhãn hiệu giày quen thuộc với người Việt Nam qua nhiều thế hệ. Đã có thời gian, công ty giày này lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng về mẫu mã. Một số người tiêu dùng trung thành quay lưng đi, họ chấp nhận mua những loại giày dép Trung Quốc tuy chất lượng kém hơn hẳn nhưng lại vô cùng đa dạng về kích thước và mẫu mã. Đã từng thử qua vài đôi giày Trung Quốc, tôi thật sự rất thất vọng về độ bền của chúng. Đôi "tốt" nhất mang được 6 tháng, còn đôi tệ hơn thì khoảng 3 tháng là sứt keo, rạn nứt các thể loại. Rất may trong thời gian gần đây Biti's đã lấy lại được vị thế của mình ở thị trường trong nước. Người ta bắt đầu thấy nhiều quảng cáo giày thể thao Biti's hơn trên Internet, thấy sự chuyển mình rõ rệt về thiết kế - hiện đại và trẻ trung hơn, thậm chí có thể cạnh tranh với các nhãn hiệu nổi tiếng quốc tế (đặc biệt là về giá) vì chất lượng là tương tự nhau. Cách đây khoảng nửa năm, tôi đã mua cho mình một đôi giày thể thao Biti's rất dễ thương. Để mua được một đôi giày hàng hiệu (cho dù là được gia công tại Trung Quốc - công xưởng của thế giới), tôi phải bỏ ra ít nhất là gấp đôi số tiền ấy. Điều đó cũng hợp lý vì họ bán cả thương  hiệu được gầy dựng cả nhiều thập kỷ. Nhưng với tư cách là người tiêu dùng Việt Nam, tôi hạnh phúc và hoàn toàn hài lòng với lựa chọn của mình khi dùng giày Biti's. Giày rất bền và đi vô cùng êm chân. Lúc đó, những ký ức tuổi thơ lại ùa về trong tôi vì lúc nhỏ, tất cả giày dép ba mua cho tôi đều là của thương hiệu này.

Nhiều năm trước, tôi có tự đặt câu hỏi cho mình tại sao các tập đoàn Mỹ và châu Âu lại khó chen chân vào thị trường nội địa của Nhật Bản và Hàn Quốc. Thống trị thị trường trong nước vẫn luôn là Sony, Toyota, Samung hay Hyundai. Đến giờ câu hỏi đó đã được giải đáp rõ ràng. Tinh thần tự tôn dân tộc và tương thân tương ái của người Nhật và Hàn Quốc là rất cao. Ủng hộ hàng hóa của các nhà sản xuất trong nước vừa có thể giúp các doanh nghiệp tăng thêm lợi nhuận và vốn để tái đầu tư phát triển sản phẩm, gia tăng sức cạnh tranh với các công ty nước ngoài và vừa tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia nói chung. Họ không phải làm điều đó một cách ngẫu nhiên mà thiết nghĩ đó là một ý thức của cả một dân tộc được giáo dục qua nhiều thế hệ. Nhưng tin rằng không chỉ họ mới có thể làm được điều đó. Tôi là người Việt Nam và tôi cũng có thể làm được! Thậm chí bằng sự quyết tâm và kiên trì của mình, tôi tin rằng mình sẽ là ví dụ sinh động nhất thuyết phục được gia đình, bạn bè và đồng nghiệp cũng xây dựng được ý thức như thế. Bây giờ, trước khi lựa chọn bất kỳ một sản phẩm nào, tôi luôn đặt cho mình câu hỏi đó là có doanh nghiệp Việt Nam nào sản xuất cùng loại mặt hàng đó với chất lượng tương đương hay không. Khi ấy, mẫu mã chỉ là yếu tố phụ. Khi mua sản phẩm Việt đó, tôi cho mình cơ hội thể hiện lòng yêu nước một cách cụ thể nhất và cũng cho nhà sản xuất cơ hội giới thiệu sản phẩm của mình với người tiêu dùng. Quy luật thị trường về chất lượng là tất yếu, tôi đương nhiên không ép buộc mình lúc nào cũng phải chọn hàng hóa Việt Nam, nhưng tôi tin, với ý thức của mình thì ít nhất hàng hóa Việt Nam bao giờ cũng phải có “hệ số ưu tiên” nhất định.

Ngày nay, ý thức được nói đến nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông: “ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng”, “ý thức cộng đồng”, “ý thức tham gia giao thông”… Với vài dòng bài viết của mình, tôi xin mạn phép được nhắc đến “ý thức dùng hàng Việt Nam”. Là người Việt Nam, chúng ta còn không thể quan tâm, đặt lòng tin và lựa chọn sử dụng hàng Việt thì mong gì hàng Việt có thể được yêu chuộng ở thị trường quốc tế? Ở đây tôi sẽ không đề cập đến những doanh nghiệp làm ăn gian dối, sản xuất sản phẩm kém chất lượng hay lừa đảo khách hàng. Mọi cuộc chơi đều có quy luật riêng của nó và những doanh nghiệp này sẽ tự động bị đào thải khỏi thị trường mà thôi.

Không biết quý độc giả có cùng suy nghĩ như tôi hay không? Nếu có, chúng ta hãy bắt tay vào thực hiện ngay từ bây giờ nhé!

No comments:

Post a Comment