Saturday, January 11, 2020

#AmThuc - Lạp Xưởng Ù

Tôi vẫn thường hay tự gọi Blog của mình có "tên đi học" là Mein Saigon (Saigon của tôi) và "tên ở nhà" có lẽ là Cá Muối Sư, vì đây là bài viết mà tôi nhận được sự quan tâm của các độc giả nhiều nhất :D. Tết lại sắp đến, theo cùng là bao nhiêu háo hức, kỷ niệm về ngày lễ vô cùng đặc biệt trong năm. Một trong những món tôi ăn mãi không ngán là Lạp Xưởng, nhưng không phải là Lạp Xưởng Vissan thường thấy ở siêu thị mà là Lạp Xưởng Ù.

Nhà Ngoại tôi hay gọi như vậy, để phân biệt với loại Lạp Xưởng khô, "ốm" và dài hơn (và dĩ nhiên thời hạn sử dụng cũng được lâu hơn). Vì không phải là chuyên gia trong lĩnh vực này và chưa có thời gian nghiên cứu, tôi xin phép không đi sâu vào công thức chế biến mà chỉ chia sẻ những kỷ niệm về món Lạp Xưởng Ù và phương pháp chiên bằng nước như thế nào để hạn chế dầu mỡ mà vẫn có thể thưởng thức trọn vẹn hương vị thơm ngon của nó.

Lúc nhỏ thấy Mẹ chiên Lạp Xưởng, mình cứ nghĩ là Mẹ dùng dầu ăn như chiên cá, chiên thịt vậy đó. Nhưng lớn lên một chút, để ý kỹ hơn và được Mẹ giảng giải mới biết Mẹ chỉ dùng nước để chiên mà thôi. Nghe có vẻ hơi vô lý, vì không ai chiên thứ gì với nước cả. Nhưng thật ra đó là một bí quyết nhỏ của Bà Ngoại (tôi nghĩ có lẽ nhiều gia đình miền Nam cũng thường làm như thế). Phải chăng đây là một sáng tạo độc đáo của người Việt mình, vì trong Lạp Xưởng (đặc biệt là Lạp Xưởng Ù) luôn có một lượng mỡ sẵn rồi. Chỉ cần bắc chảo lên, để Lạp Xưởng vào rồi cho một chút xíu nước vô. Cứ kiên nhẫn dùng một đôi đũa dài lăn qua lăn lại cây Lạp Xưởng dễ thương, nghe tiếng xèo xèo của nước bốc hơi là được. Các bạn nhớ vặn nhỏ lửa để nước đừng bốc hơi nhanh quá trong khi những cây Lạp Xưởng của chúng ta còn chưa kịp chín và rám vàng nhé. Khi Lạp Xưởng rám vàng, mùi thơm caramel và mùi thịt nướng sẽ dần lan tỏa khắp gian bếp. Đó cũng là dấu hiệu Lạp Xưởng Ù đã chiên xong, có thể gắp ra dĩa rồi đấy.

Tiếp đến là khâu trình bày làm sao cho đẹp mắt. Đợi một tí cho Lạp Xưởng bớt nóng (hoặc có thể dùng nĩa để cố định khi cắt nhưng tôi thường không dùng cách này vì sẽ làm lủng bạn Lạp Xưởng Ù và cũng khó cắt đẹp được nữa), chúng ta sẽ cắt Lạp Xưởng Ù thành từng lát theo đường xéo, không quá dày và cũng không quá mỏng. Trong những ngày Tết, Lạp Xưởng Ù sẽ được dọn ra ăn với cơm cùng với các món canh hay xào khác. Vì là loại Lạp Xưởng tươi không phơi nên Lạp Xưởng Ù ăn rất ngon như một loại xúc xích, mùi vị lại đậm đà và Á Đông hơn hẳn so với xúc xích Tây nhưng lại không bị cứng hay mặn như Lạp Xưởng khô. Còn nếu muốn lai rai vài lon bia thì Lạp Xưởng Ù cũng là một lựa chọn vô cùng thú vị khi ăn cùng với củ kiệu hay kim chi. Vị ngâm chua ngọt của củ kiệu sẽ làm Lạp Xưởng Ù ngon hơn và giảm được vị béo có thể gây ngán.

Đối với tôi, thật không quá khi nghĩ về Lạp Xưởng Ù như một người bạn đặc biệt. Mỗi năm chúng tôi gặp nhau một lần vào dịp Tết. Tự cái tên mà tôi đặt cho bạn ấy đã là một điều gì đó rất riêng tư rồi. Có thể gọi là Lạp Xưởng Tươi, nhưng với tôi, bạn ấy vẫn luôn là bạn Lạp Xưởng Ù đến chơi và mang lại niềm vui cho tôi và gia đình vào mỗi dịp Tết đến Xuân về!

*Nguồn hình: bachhoaxanh.com


No comments:

Post a Comment