Sunday, July 2, 2017

#VanHoa - Trà Bạc Hà Phong Cách Maroc



Thời tiết Sài Gòn dạo này thật thất thường làm sao! Trưa nắng gắt nhưng gần chều lại gió lớn và đổ mưa. Những lúc đó được thưởng thức một ly trà nóng chắc hẳn sẽ là một điều gì vô cùng đặc biệt và... ấm áp!

Trà chiều kiểu Anh gần đây được giới trẻ nhắc đến nhiều hơn. Có những quán trà như thế được mở ra ở trung tâm Sài Gòn sầm uất. Nhưng hôm nay tôi lại muốn giới thiệu một phong cách trà đậm chất huyền bi phương Đông với phương pháp pha chế hết sức độc đáo của mình.

Đối với tôi, một người có niềm đam mê đặc biệt với việc tìm hiểu những nền văn hóa trên thế giới, đất nước Maroc thật gần nhưng cũng rất xa xôi với thành phố Marrakesh đầy màu sắc của những tấm thảm "thần kỳ" nghìn lẻ một đêm và hàng trăm loại gia vị trong các khu chợ đông đúc nhưng cổ kính. Những ngôi nhà bằng đất nung, những người kể chuyện đường phố, những nhà ảo thuật dụ rắn vẫn ở đấy như hàng trăm năm nay vẫn thế, không có gì thay đổi... Hay những ngôi nhà thấp bằng đất nện có tường rào bằng đá đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi mặc dù chỉ được xem qua những thước phim tài liệu. Ước mong thời gian và thế giới hiện đại đừng chạm đến và làm thay đổi cuộc sống của người dân Maroc cùng với những giá trị truyền thống của đất nước này.

Cũng là một đất nước với khí hậu nóng nhưng những người Maroc không uống trà đá như người Việt Nam mình mà lại uống trà bạc hà nóng với một ít đường. Ban đầu, tôi cũng suy nghĩ ngạc nhiên lắm vì người ta có xu hướng uống những gì mát lạnh khi thời tiết bên ngooài quá nóng bức như thế. Trong một lần tình cờ hỏi một người bạn phương Tây thì bạn ấy đoán rằng ở có lẽ uống trà nóng là một lựa chọn tốt hơn của người dân ở đó để làm cân bằng giữa nhiệt độ cơ thể và nhiệt độ môi trường khắc nghiệt sa mạc Bắc Phi. Ngẫm lại thấy cách nhìn của bạn thú vị và hợp lý vì nếu uống thức uống lạnh có thể dẫn đến sốc nhiệt và những vấn đề về đường hô hấp khác.

1. Nguyên liệu cần thiết cho món trà bạc hà Maroc:

Tất nhiên không thể thiếu hai nguyên liệu cơ bản nhất là lá bạc hàtrà xanh (lưu ý không phải là loại trà xanh của Việt Nam và Nhật Bản). Tuy nhiên do lá bạc hà của Maroc chứa ít menthol và có vị dịu nhẹ hơn những loại khác thường dùng để pha chế cocktail và cũng khá khó tìm ở Sài Gòn nên lần này tôi muốn giới thiệu một cách pha chế đơn giản nhưng vẫn đảm bảo khá giống với nguyên bản với trà túi lọc bạc hà Dilma. Trà này có thể tìm thấy ở các cửa hàng ở quận 1 chuyên bán thực phẩm phương Tây như Thái Hòa hoặc Phương Hà (đường Hàm Nghi gần tiệm bánh mì Như Lan).

2. Phương pháp pha chế cho 5 tách trà

- Cho 3 gói Dilma bạc hà túi lọc vào ấm trà
- Rót 1,0 L nước sôi vào để như thế trong vòng từ 3-5 phút
- Cho túi lọc ra khỏi ấm trà và cho một ít đường vào tùy khẩu vị
- Rót trà ra ly thủy tinh và thưởng thức khi còn nóng

Thoạt nghe có vẻ hao hao giống món trà đường của Việt Nam và không có gì hấp dẫn lắm -  nhưng thật ra điểm độc đáo ở các pha trà bạc hà Maroc là ở cách rót trà từ ấm ra ly. Người Maroc không uống trà trong ly sứ như người phương Tây mà trong những ly thủy tinh được trang trí hoa văn cầu kỳ, tinh xảo. Ở Sài Gòn thì đơn giản hơn, chúng ta có thể sử dụng ly thủy tinh cao để có thể chiêm ngưỡng được màu hổ phách và lớp bọt nhẹ trên bề mặt của ly trà. Do được rót từ một độ cao tương đối lớn so với những cách pha chế thông thường nên trà có thời gian tiếp xúc với không khí, làm dậy mùi thơm của trà và bạc hà cũng như tạo nên một lớp bọt nhẹ đẹp mắt.

Mến chúc các bạn có một ly trà bạc hà Maroc ấm áp vào những buổi chiều tối se lạnh Sài Gòn!


Nguồn hình: pfefferminz-tee.de




Sunday, April 9, 2017

#SaiGon - Cá Muối Sư


Có lẽ tên gọi Cá Muối Sư không quá xa lạ đối với nhiều gia đình miền Nam xưa ở Sài Gòn hay ở các tỉnh miền Tây. Nhưng... một số bạn trẻ ngày nay không biết món ăn này là gì hay chí ít cho rằng đó là một cách nói không chính xác hay biến thể của từ "cá muối sả". Ban đầu vì không muốn tranh cãi nhiều, tôi chỉ mỉm cười khi nghe những ý kiến như thế. Nhưng vì quá yêu mến tiếng Việt, quá yêu mến văn hóa và con người Nam Bộ, tôi nghĩ một lúc nào đó mình cần đính chính một chút ... :) 


Cá muối sư là một món ăn rất quen thuộc trong mỗi gia đình Nam Bộ. Chị em tôi đã lớn lên cùng nó - ở nhà mình cũng như ở nhà ông bà ngoại trong một xóm nhỏ yên bình ở quận 8. Thật ra cá muối sư cũng là một phiên bản của món cá muối sả ớt nhưng ngon nhất với tôi là khi nó được làm từ cá hường hay cá đổi dạ. Công thức không quá cầu kỳ và nguyên liệu thì đã sẵn có ở nhà. Đó là sự kết hợp hài hòa của sả, tỏi, ớt (thường là ớt bằm mới đúng điệu), một chút muối và bột nghệ để khi chiên lên cá có màu vàng đẹp. Lúc nhỏ, chúng tôi thường thích thú đứng quan sát mẹ làm món ăn ngon lành này. Trước tiên mẹ làm sạch cá, để một lúc ở ngoài cho ráo nước. Trong lúc đó, mẹ chuẩn bị hỗn hợp gia vị đã nhắc đến ở phần trên. Sau đó thân cá được khía bằng dao để ướp gia vị cho thấm hơn. Mẹ bắt đầu "mát xa" phần thân cá một lượt rồi lấy phần gia vị còn lại chia làm hai phần. Một phần mẹ cho vào bụng cá và phần còn lại sẽ được phi cho vàng giòn rồi rải lên cá muối sư đã chiên rồi. Yum yum, xem ra để làm một món ăn đơn giản cho thiệt ngon cũng lắm công phu!

Tôi vẫn còn nhớ hoài bữa ăn trưa của mấy đứa cháu (nói là cháu nhưng đều trạc tuổi hai chị em tôi) là một tô cơm đầy trong đó có một con hoặc một khúc cá - có thể là khúc đầu hoặc đuôi tùy "sở thích" người ăn. Bữa trưa chỉ đơn giản vậy thôi nhưng với mấy đứa con nít lúc đó lại rất ngon lành và no bụng. Đến bây giờ khi lớn lên, thấy và hiểu nhiều hơn, tô cơm cá muối sư hay thịt kho hột vịt với tôi là một thứ gì đó rất gần gũi và vô cùng đặc trưng cho tính cách hồn hậu, chân thật và không câu nệ của người miền Nam. Đôi khi không cần phải dọn bàn ra đầy đủ chén bát, muỗng đũa để có thể cảm nhận hết vị ngon của một món ăn - vị ngon tự nó đã đến từ tấm lòng người nấu và sự đón nhận "nhiệt tình" của người thưởng thức - chắc hẳn là như vậy.

Nhớ quá món cá muối sư đơn giản mà ngon tuyệt của những ngày xưa cũ, đặc biệt là vào những ngày mưa lành lạnh...


#CaPhe - Cappuccino và những câu hỏi



Để thay đổi không khí, chúng ta sẽ quay về chủ đề #CaPhe với những câu hỏi thú vị xung quanh thức uống cà phê Cappuccino ngon tuyệt!

1) Cappuccino là gì?

Cappuccino là một "đặc sản cà phê" được pha chế từ espresso, sữa nóng và bọt sữa bắt nguồn từ đất nước hình chiếc ủng Ý. Thông thường, thức uống được nhiều người yêu thích này được phục vụ trong tách sứ có thành dày được hâm nóng từ trước. Ở các nước châu Âu như Đức thì người ta có thể uống cappuccino vào mọi lúc, trong khi ở quê hương mình - đất nước Ý - cappuccino thường được uống trong bữa ăn sáng.

2) Cappuccino được pha chế như thế nào?

Một ly cappuccino hoàn hảo gồm 3 phần bằng nhau - espresso, sữa nóng và bọt sữa. Trước tiên, người ta pha một phần espresso bằng máy và rót vào tách. Tiếp theo là một phần sữa được đánh lên mịn như kem. Lớp trên cùng không bị những bọt sữa lớn chỉ được tạo ra bởi vòi tạo bọt sữa bằng hơi nước nóng ở các máy pha cà phê chuyên dụng.

3) Có khoảng bao nhiêu coffeein chứa trong một ly cappuccino?

Lượng coffeein trong một ly cappuccino có thể khác nhau tùy theo lượng coffeein chứa trong hạt cà phê mà chúng ta dùng để pha espresso - thành phần cơ bản cho một ly cappuccino. Trung bình một ly cappuccino chứa từ 25 -30 mg coffeein.

4) Một ly cappuccino chứa bao nhiêu calorie?

Có trung bình khoảng 50 kcal trong một ly cappuccino. Lượng calorie trong một ly cappuccino phụ thuộc vào lượng chất béo chứa trong sữa mà chúng ta dùng để pha thức uống này. Hàm lượng calorie trong một ly cappuccino có thể ít hơn khi chúng ta dùng sữa ít hoặc không béo.

5) Ai đã phát minh ra cappuccino?

Thức uống cà phê cappuccino mà chúng ta biết ngày nay xuất phát từ Ý. Bản gốc cappuccino được pha chế với kem sữa được cho là đã được phát minh và phục vụ đầu tiên trong các tiệm cà phê (Kaffeehaus) ở Vienna, Áo. Những người lính Áo đã mang nó đến miền Bắc nước Ý nơi mà người dân ở đó pha chế thức uống này với sữa đánh bọt. Một giả thuyết khác cho rằng một nhà tu Cơ Đốc Giáo đã phát minh ra cappuccino. Và màu của thức uống này cũng là màu của áo choàng và màu tóc của các nhà tu dòng Kapuziner.

6) Loại sữa nào được dùng để pha chế cappuccino?

Loại sữa được chọn pha chế cappuccino quyết định độ sánh của bọt sữa được đánh - một yếu tố quan trọng của một ly cappuccino hoàn hảo. Thành phần chất béo trong sữa càng nhiều thì bọt sữa đánh ra sẽ càng mịn và có độ sánh tuyệt vời. Vì vậy sữa tươi hay ít nhất là sữa tách béo một phần được xem là hai loại sữa phù hợp nhất để pha cappuccino.

7) Bằng cách nào có thể pha chế một ly cappuccino bằng sữa đậu nành?

Nói chung, việc lựa chọn sữa đậu nành không ảnh hưởng nhiều đến việc pha chế cappuccino của chúng ta. Khi đó đơn giản là sữa tươi được thay thế bằng sữa đậu nành - một loại sữa có nguồn gốc thực vật. Chỉ có một điểm nhỏ cần lưu ý là nhiệt độ của sữa đậu nành phải bằng với nhiệt độ của espresso để nó không bị vón cục lại trong quá trình pha chế.



Nguồn tham khảo: www.tchibo.de
Nguồn hình: kaffee.org | www.tchibo.de