Vì bản thân luôn bị cuốn hút bởi những nền văn hóa - sự khác nhau cũng như sự tương đồng một cách ngẫu nhiên - hôm nay tôi lại muốn viết về món ăn truyền thống Việt Nam theo một góc nhìn khác.
Chả Lụa Việt Nam |
Khi nhắc đến Xúc Xích, phần lớn người châu Á sẽ nghĩ đến thịt xay nhuyễn được nhồi vào trong ruột heo phơi khô hay ruột nhân tạo có chức năng tương tự. Điều đó đúng trong phần lớn các trường hợp, kể cả món lạp xưởng yêu thích của tôi. Và trước đây, khi nghĩ về Chả Lụa thì tôi chỉ nghĩ đó là Chả Lụa, đơn giản vậy thôi. Nhưng kể từ khi tôi cố gắng tìm cách phiên dịch món ăn ngon lành này cho những người bạn nước ngoài thì tôi biết Chả Lụa thì ra cũng là một loại Xúc Xích - chỉ là được gói trong lá chuối. Có lẽ đây là điều làm nên hương vị vô cùng đặc biệt của Chả Lụa. Khi giò sống (thịt heo quết hay xay nhuyễn) được gói trong lá chuối và sau đó được nấu chín, mùi thơm của lá chuối sẽ thấm vào đòn chả, đồng thời đóng vai trò làm lớp vỏ định hình. Vậy lớp vỏ là chuối đã làm thêm được một chức năng nữa là nguyên liệu tạo mùi hoàn toàn tự nhiên - Đây thực sự là sáng tạo xuất sắc của người Việt. So với người châu Âu mà cụ thể là người Đức, có thể chúng ta không có nhiều loại Xúc Xích bằng (không kể lạp xưởng vì theo quan điểm cá nhân tôi thì đó là một món ăn có nguồn gốc từ Trung Quốc do những người Hoa mang đến khi di cư sang Việt Nam mình), nhưng những người bà con của Chả Lụa như Chả Chiên, Chả Quế đều là những món đặc sản độc đáo của riêng Việt Nam.
Và một điều thú vị khác tôi vừa "khám phá" ra đó là ở châu Âu hay Mỹ, người ta hay ăn xúc xích kẹp trong bánh hot dog hay ăn chung với khoai tây nghiền, nướng hay chiên hoặc đơn giản là ăn nó như là một món dùng kèm với bia. Nhưng Chả Lụa thì lại rất ít khi được dùng chung với cơm (trừ khi là số Chả Lụa còn lại từ ngày hôm trước được đem đi kho ;)) mà lại là một món ăn kèm không thể thiếu trong rất nhiều món ăn Việt Nam như bánh mì, bánh dày, bánh cuốn, bánh ướt, xôi... Thật dễ thương làm sao khi một món ăn tưởng chừng như đơn giản này lại có thể làm điểm nhấn cho vô số món ăn khác như thế.
Cách đây nhiều năm, khi còn là sinh viên ngôn ngữ, tôi đã đọc được câu nói trong sách giáo khoa đại ý rằng hãy đi xa để có đủ khoảng cách nhìn lại nền văn hóa nơi mình sinh ra và lớn lên. Giờ càng ngẫm lại, càng thấy đúng làm sao. Khi sống ở Sài Gòn, khi mà có thể tìm được Chả Lụa, cơm, nước mắm... ở mọi góc phố con đường và mọi thời khắc trong ngày thì có lẽ ta chưa thấy yêu quý và không hề nói quá quá khi dùng từ trân trọng những món ăn đơn giản này. Nhớ lại khoảng thời gian không dài ở Aachen, tôi thỉnh thoảng cứ mỉm cười vì chính khi đó, tôi mới biết cảm giác nhớ da diết cơm, nước mắm và những món ăn Mẹ thường nấu lúc còn ở nhà nó "khổ sở" như thế nào. Nói về cơm, gạo dài Ý mua được bên đó ăn cũng khác lạ và không giống với những hạt cơm có phần mũm mĩm và dẻo thơm ở nhà.
Một ngày còn là người Việt Nam, tôi luôn tự nhủ, sẽ yêu quê hương mình và yêu người Việt mình nhiều hơn mỗi ngày - đương nhiên theo cách của riêng tôi. ;)
*Nguồn hình: thucthan.com