Sunday, April 9, 2017

#SaiGon - Cá Muối Sư


Có lẽ tên gọi Cá Muối Sư không quá xa lạ đối với nhiều gia đình miền Nam xưa ở Sài Gòn hay ở các tỉnh miền Tây. Nhưng... một số bạn trẻ ngày nay không biết món ăn này là gì hay chí ít cho rằng đó là một cách nói không chính xác hay biến thể của từ "cá muối sả". Ban đầu vì không muốn tranh cãi nhiều, tôi chỉ mỉm cười khi nghe những ý kiến như thế. Nhưng vì quá yêu mến tiếng Việt, quá yêu mến văn hóa và con người Nam Bộ, tôi nghĩ một lúc nào đó mình cần đính chính một chút ... :) 


Cá muối sư là một món ăn rất quen thuộc trong mỗi gia đình Nam Bộ. Chị em tôi đã lớn lên cùng nó - ở nhà mình cũng như ở nhà ông bà ngoại trong một xóm nhỏ yên bình ở quận 8. Thật ra cá muối sư cũng là một phiên bản của món cá muối sả ớt nhưng ngon nhất với tôi là khi nó được làm từ cá hường hay cá đổi dạ. Công thức không quá cầu kỳ và nguyên liệu thì đã sẵn có ở nhà. Đó là sự kết hợp hài hòa của sả, tỏi, ớt (thường là ớt bằm mới đúng điệu), một chút muối và bột nghệ để khi chiên lên cá có màu vàng đẹp. Lúc nhỏ, chúng tôi thường thích thú đứng quan sát mẹ làm món ăn ngon lành này. Trước tiên mẹ làm sạch cá, để một lúc ở ngoài cho ráo nước. Trong lúc đó, mẹ chuẩn bị hỗn hợp gia vị đã nhắc đến ở phần trên. Sau đó thân cá được khía bằng dao để ướp gia vị cho thấm hơn. Mẹ bắt đầu "mát xa" phần thân cá một lượt rồi lấy phần gia vị còn lại chia làm hai phần. Một phần mẹ cho vào bụng cá và phần còn lại sẽ được phi cho vàng giòn rồi rải lên cá muối sư đã chiên rồi. Yum yum, xem ra để làm một món ăn đơn giản cho thiệt ngon cũng lắm công phu!

Tôi vẫn còn nhớ hoài bữa ăn trưa của mấy đứa cháu (nói là cháu nhưng đều trạc tuổi hai chị em tôi) là một tô cơm đầy trong đó có một con hoặc một khúc cá - có thể là khúc đầu hoặc đuôi tùy "sở thích" người ăn. Bữa trưa chỉ đơn giản vậy thôi nhưng với mấy đứa con nít lúc đó lại rất ngon lành và no bụng. Đến bây giờ khi lớn lên, thấy và hiểu nhiều hơn, tô cơm cá muối sư hay thịt kho hột vịt với tôi là một thứ gì đó rất gần gũi và vô cùng đặc trưng cho tính cách hồn hậu, chân thật và không câu nệ của người miền Nam. Đôi khi không cần phải dọn bàn ra đầy đủ chén bát, muỗng đũa để có thể cảm nhận hết vị ngon của một món ăn - vị ngon tự nó đã đến từ tấm lòng người nấu và sự đón nhận "nhiệt tình" của người thưởng thức - chắc hẳn là như vậy.

Nhớ quá món cá muối sư đơn giản mà ngon tuyệt của những ngày xưa cũ, đặc biệt là vào những ngày mưa lành lạnh...


#CaPhe - Cappuccino và những câu hỏi



Để thay đổi không khí, chúng ta sẽ quay về chủ đề #CaPhe với những câu hỏi thú vị xung quanh thức uống cà phê Cappuccino ngon tuyệt!

1) Cappuccino là gì?

Cappuccino là một "đặc sản cà phê" được pha chế từ espresso, sữa nóng và bọt sữa bắt nguồn từ đất nước hình chiếc ủng Ý. Thông thường, thức uống được nhiều người yêu thích này được phục vụ trong tách sứ có thành dày được hâm nóng từ trước. Ở các nước châu Âu như Đức thì người ta có thể uống cappuccino vào mọi lúc, trong khi ở quê hương mình - đất nước Ý - cappuccino thường được uống trong bữa ăn sáng.

2) Cappuccino được pha chế như thế nào?

Một ly cappuccino hoàn hảo gồm 3 phần bằng nhau - espresso, sữa nóng và bọt sữa. Trước tiên, người ta pha một phần espresso bằng máy và rót vào tách. Tiếp theo là một phần sữa được đánh lên mịn như kem. Lớp trên cùng không bị những bọt sữa lớn chỉ được tạo ra bởi vòi tạo bọt sữa bằng hơi nước nóng ở các máy pha cà phê chuyên dụng.

3) Có khoảng bao nhiêu coffeein chứa trong một ly cappuccino?

Lượng coffeein trong một ly cappuccino có thể khác nhau tùy theo lượng coffeein chứa trong hạt cà phê mà chúng ta dùng để pha espresso - thành phần cơ bản cho một ly cappuccino. Trung bình một ly cappuccino chứa từ 25 -30 mg coffeein.

4) Một ly cappuccino chứa bao nhiêu calorie?

Có trung bình khoảng 50 kcal trong một ly cappuccino. Lượng calorie trong một ly cappuccino phụ thuộc vào lượng chất béo chứa trong sữa mà chúng ta dùng để pha thức uống này. Hàm lượng calorie trong một ly cappuccino có thể ít hơn khi chúng ta dùng sữa ít hoặc không béo.

5) Ai đã phát minh ra cappuccino?

Thức uống cà phê cappuccino mà chúng ta biết ngày nay xuất phát từ Ý. Bản gốc cappuccino được pha chế với kem sữa được cho là đã được phát minh và phục vụ đầu tiên trong các tiệm cà phê (Kaffeehaus) ở Vienna, Áo. Những người lính Áo đã mang nó đến miền Bắc nước Ý nơi mà người dân ở đó pha chế thức uống này với sữa đánh bọt. Một giả thuyết khác cho rằng một nhà tu Cơ Đốc Giáo đã phát minh ra cappuccino. Và màu của thức uống này cũng là màu của áo choàng và màu tóc của các nhà tu dòng Kapuziner.

6) Loại sữa nào được dùng để pha chế cappuccino?

Loại sữa được chọn pha chế cappuccino quyết định độ sánh của bọt sữa được đánh - một yếu tố quan trọng của một ly cappuccino hoàn hảo. Thành phần chất béo trong sữa càng nhiều thì bọt sữa đánh ra sẽ càng mịn và có độ sánh tuyệt vời. Vì vậy sữa tươi hay ít nhất là sữa tách béo một phần được xem là hai loại sữa phù hợp nhất để pha cappuccino.

7) Bằng cách nào có thể pha chế một ly cappuccino bằng sữa đậu nành?

Nói chung, việc lựa chọn sữa đậu nành không ảnh hưởng nhiều đến việc pha chế cappuccino của chúng ta. Khi đó đơn giản là sữa tươi được thay thế bằng sữa đậu nành - một loại sữa có nguồn gốc thực vật. Chỉ có một điểm nhỏ cần lưu ý là nhiệt độ của sữa đậu nành phải bằng với nhiệt độ của espresso để nó không bị vón cục lại trong quá trình pha chế.



Nguồn tham khảo: www.tchibo.de
Nguồn hình: kaffee.org | www.tchibo.de