Nếu ai đó nói rằng cuộc đời là những chuyến đi thì đúng là tôi đã có nhiều chuyến đi ý nghĩa trong đời. Từ một người chỉ ở nhà và ít đi đây đó, tôi đã có những chuyến "phiêu lưu" về miền Tây, đặc biệt là vùng đất Đồng Tháp, nơi ngày xưa tôi chỉ có thể tưởng tượng qua những bài tập đọc lớp 1 ("Tháp Mười đẹp nhất bông sen...") mà thôi.
Một trong những điều đặc biệt hay nói đúng hơn là "niềm vinh hạnh" của tôi có được là được tận mắt quan sát các công đoạn, phụ giúp và nếm thử món đặc sản Bì Gói Lá Dong của vùng đất sen hồng Đồng Tháp.
Một đứa nhỏ chỉ quanh quẩn sống ở Sài Gòn như tôi thật ra cũng biết ít nhiều về văn hóa Nam Bộ vì rất thích đọc và nghiên cứu. Tuy nhiên trong thực tế về ngôn ngữ và cuộc sống của những người dân miền Tây thì tôi cũng còn xa lạ lắm trước khi quen bạn.
Lần đầu nghe bạn hỏi có biết món Bì là gì và muốn ăn thử không thì tôi đã... ngớ người ra vì tưởng người dân ở đây xem da heo là một món ăn riêng biệt. Tôi nhầm cũng không lạ vì ở Sài Gòn người ta có món Cơm Tấm Sườn Bì Chả mà bì là món da heo xắt mỏng thành sợi được rắc thính vào ăn rất ngon. Đương nhiên bạn cười vì sự "ngô nghê" của tôi, giải thích món ăn này gồm những gì và hứa có dịp sẽ nhờ Mẹ bạn đích thân làm món đặc sản này để tôi thưởng thức cho biết.
Ở Đồng Tháp, người ta thường làm món đặc sản này vào những dịp quan trọng như ngày lễ hoặc Tết Nguyên Đán. Vào một ngày trước Tết - lần đầu tiên tôi đã được dịp chứng kiến và phụ giúp ở những công đoạn rất nhỏ trong quá trình làm Bì Gói Lá Dong và cảm thấy háo hức vô cùng!
Đầu tiên là phải phơi lá chuối, mà không phải lá chuối nào cũng dùng được mà phải là một loại nhất định trong các loại chuối già, chuối cau, chuối tiêu... Bác gái đã tận tình giải thích nhưng tiếc là tôi từ nhỏ không thuộc được nổi tên của các loại chuối cơ bản của Việt Nam mình nên thôi đành không viết ra ở bài blog này. Bước tiếp theo là đi thu gom lá dong, một loài lá hiện tại không còn phổ biến nữa ngay cả ở những vùng quê miền Tây.
Và bây giờ là hai bước quan trọng nhất (theo tôi) ;) Thịt đùi heo phải là loại ngon, được chọn lựa và khử mùi kỹ bằng nước chanh tươi được ướp nước mắm, muối, đường, bột ngọt và khìa lên cho thật thơm. Nếu ở đây có một sự so sánh dễ thương giữa các món ăn giữa những vùng đất khác nhau ở đất nước Việt Nam xinh đẹp và trù phú này thì tôi thấy món này khá giống món thịt ram Mẹ tôi hay làm cho chị em tôi ăn ở nhà (Mẹ có để thêm một ít ngũ vị hương vì nhà Ngoại tôi gốc người Hoa) và cả món thịt thưng của Bà Nội tôi vốn người gốc Quảng Nam.
Sau đó thịt được xắt thành lát mỏng rồi một lần nữa thành những sợi mỏng. Công đoạn này đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên trì của người nấu nướng vì chỉ nhìn thôi tôi nghĩ là bác cũng đau lưng lắm, rất thương! Nhưng bước tiếp theo cũng không kém phần công phu, khi bạn và chị gái của mình phải tẩn mẩn xắt những miếng da heo "trơn trượt" thành từng sợi thật mỏng. Có lần tôi đã láu táu "giành" được phụ giúp ở bước này nhưng ôi thôi, những miếng da heo tôi cắt vừa dày, vừa xấu và tôi còn suýt nữa đứt tay vì nó trơn quá :(
Tưởng đã gần xong, nhưng giờ là đến một bước cũng quan trọng không kém, đó là đem thịt và da heo xắt sợi lên chảo để khìa cùng với thính (gạo rang xay nhuyễn). Bước này cũng nặng nhọc không kém khi chiếc chảo thì to mà tay người làm phải thoăn thoắt đảo đều để cho thịt và da heo không bị cháy và dính dưới đáy chảo. Mẹ, bạn và người chị gái thay phiên nhau khéo léo đảo đều số thịt và da, để thêm một ít đường hoặc muối thì công đoạn này đã xong.
Và giờ chỉ còn gói lại là xong. Chữ xong này có thể buông ra dễ dàng nếu bạn chưa thấy sự khéo léo của bác, của bạn tôi và người chị khi gói. Đầu tiên bác dùng muỗng xúc một số lượng thịt và da heo vừa đủ cho một chiếc bì rồi để vào nhiều chiếc lá dong góp lại thành một phần diện tích vừa đủ rồi túm số lá đó lại chuyền sang cho bạn tôi hoặc chị bạn ấy rồi hai người quấn phần này một lần nữa trong 2 lần lá chuối được cắt miếng vừa phải rồi cột dây thun lại. Nghe tôi miêu tả dễ lắm, nhưng để có được một chiếc bì có kích thước vừa vặn, xinh xắn và nhất là vuông vắn thì đòi hỏi sự khéo tay cũng như thành thạo của người gói. Tết năm nào nhà bạn cũng gói nên những chiếc bì được gói nhanh gọn trong sự trầm trồ của tôi - một người tiếc là (chưa) được nữ công gia chánh cho lắm. Việc tôi làm tốt nhất có lẽ là... ngoan ngoãn lau lá chuối theo sự chỉ dẫn của bác sau khi những chiếc là này được phơi goài nắng cho dẻo và lấy vào đúng lúc để không bị cháy thành những mảng trắng trên lá.
Để thử và cũng là một nét duyên dáng của văn hóa chân chất, không cầu kỳ, màu mè của người miền Tây đó là khi khìa thịt và da heo xong, những "đứa trẻ" trong nhà có thể xách cái chén hay tô nhỏ để xin một ít bì chưa gói để "ăn vụng" mà nói đúng hơn là thưởng thức một dạng khác của món bì gói lá dong. Mùi thịt, da heo khìa cộng hưởng với mùi thính và tỏi ướp thơm không thể tả khiến tôi gần như không thể dừng... thưởng thức.
Bao nhiêu lời cũng nói chắc không đủ về những món đặc sản Việt Nam mà tôi từng được biết. Trong đó luôn có tình thương, sự khéo tay và tận tâm của các cô, các dì. Với tôi điều đáng quý hơn cả là những nét văn hóa, những nếp sống truyền thống đã được mọi người gìn giữ trong đó, không để cho thời gian làm phai nhạt đi.
Viết bài blog này, tôi hy vọng món ăn truyền thống này sẽ được nhiều người biết đến và yêu quý hơn. Bì xắt ra từng miếng vừa ăn chấm với muối tiêu chanh hoặc ăn cùng bún, dưa chua và rau sống thì đúng là ngon "số dách" rồi.