Bánh xèo miền Tây, nếu ai không để ý như tôi trước đây, sẽ nghĩ là nó rất giống bánh xèo Sài Gòn (vì cùng là bánh xèo miền Nam). Cho đến khi thăm miền Tây, được thưởng thức món ăn này ở Đồng Tháp, tôi mới à ồ ra, thì ra Bánh xèo Miền Tây và Sài Gòn là hai chị em họ thôi, vì tôi đã tìm thấy được một số sự khác nhau đáng kể giữa hai phiên bản này.
Đó là một ngày mưa lất phất, rất thích hợp để ăn bánh xèo - theo ý tôi. Không hiểu sao từ nhỏ đến giờ, hễ nghĩ đến bánh xèo, tôi lại nhớ đến những ngày mưa ở Sài Gòn, dù là ở nhà Mẹ đổ hay ở trên nhà Bà Nội. Nói một chút về phiên bản bánh xèo mà tôi vẫn hay ăn do Mẹ hay Bà Nội đổ. Bánh xèo Mẹ đổ là bánh xèo miền Nam theo cách mà Mợ Tư tôi - gia đình nhiều đời ở Sài Gòn vẫn làm (phân biệt với bánh xèo của Bà Nội là bánh xèo Quảng Nam). Trong mắt tôi, đó là một phiên bản hoàn hảo, vì lớp vỏ không quá dày, lớp rìa bánh giòn ngon. Nhân bên trong đơn giản là thịt ba rọi, tôm luộc, giá và vài khoanh hành tây. Để "dán" lớp nhân dính vào bánh, Mẹ khuấy chút tròng đỏ trứng gà chan lên bánh. Khi chín ăn vừa thơm vừa béo béo nhẹ. Còn Bà Nội đổ bánh xèo có lớp vỏ dày hơn hẳn, không giòn mà dai dai, đậm mùi nghệ hơn. Bà cũng không dùng dầu ăn, mà dùng chính miếng mỡ ba rọi cắm lên nĩa chà chà vài cái lên chảo, để tôm vào "tau" một chút cho vỏ tôm cháy thơm rồi mới đổ bột bánh. Còn lại thì phần nhân cũng tương tự như Mẹ làm. Phiên bản nào với tôi cũng thật ngon, luôn có mùi vị của sự tảo tần, hy sinh của người Mẹ, người Bà trong đó. Vì đổ bánh không đơn giản như mình nghĩ đâu các bạn. Bao giờ Mẹ và Bà Nội cũng đổ xong hết bánh cho tất cả mọi người trong nhà ăn thật ngon, thật no, chịu hơi nóng từ chảo, cẩn thận canh độ chín của bánh, nhìn mọi người vui vẻ ăn, nghe mọi người ríu rít cười nói trò chuyện rồi bản thân mình mới là người ăn cuối cùng khi mồ hôi đã thấm đẫm lưng áo...
Quay lại với bánh xèo miền Tây, ngày mưa đó tôi đã ghé một quán ở ngoại ô thành phố Cao Lãnh. Quán ăn trông tươm tất, sạch sẽ, chứng tỏ người chủ quán rất có tâm. Tôi háo hức vô cùng, vì lần đầu trong đời được ăn bánh xèo miền Tây ngay tại quên hương của nó. Chúng tôi vào gọi món, cô đầu bếp bắt đầu đổ bánh. Một lúc sau, món bánh thơm lừng được mang ra, lót trên những miếng lá chuối. Đi kèm là một rổ rau nhỏ gồm cải xanh, xà lách, rau thơm các loại, lá bằng lăng và 1 loại lá hơi nhớt không biết tên mà người dễ ăn như tôi cũng chưa làm quen được. Điều khác biệt đầu tiên là vỏ bánh sao mà giòn đều đến thế. Ở Sài Gòn, tôi cũng có dịp đến ăn một quán gốc miền Tây (như lời họ quảng cáo), vỏ bánh cũng giòn, nhưng khi chạm đũa vào thì... dầu ăn tươm ra nên ăn một tí là bị ngán. Còn bánh chính gốc tôi ăn ở quán này thì không hề bị như thế - chứng tỏ tài nghệ điêu luyện của người đầu bếp khi pha bột và chiên bánh. Sau đó tôi "nghiên cứu" tiếp phần nhân bánh. Ồ, ở đây họ không dùng thịt ba rọi mà là thịt nạc dăm, tôm thì được ướp chút màu và gia vị :), củ sắn, đậu xanh đãi vỏ ăn bùi bùi, béo béo. Mọi người ăn bánh xèo thường cuốn với rau, nhưng vì tôi ăn uống hơi lạ, cộng với lớp vỏ rất giòn, tôi để bánh vào chén rồi để thêm các loại rau vô, sau đó chan nước mắm chua ngọt kèm dưa chua. Bánh thơm đậm mùi nước cốt dừa, với một số thực khách có lẽ hơi ngọt, nhưng vì là người Nam nên tôi thấy không vấn đề, ngược lại rất ngon. Bánh xèo nhân tôm thịt là lựa chọn của tôi. Còn Bạn thì gọi một bánh xèo nhân thịt vịt. Bạn hào hứng kể hầu hết người dân ở đây thích nhân thịt vịt nhiều hơn hẳn. Tôi lại ồ lên ngạc nhiên, vì ở Sài Gòn tôi chưa ăn bánh xèo nhân thịt vịt bao giờ. Thật thú vị làm sao! Nhân không những có thịt vịt thôi, mà còn có lòng vịt nữa. Tất cả được xắt nhỏ cùng với củ sắn và đậu xanh như trên. Cảm nhận đầu tiên vẫn là ngon, nhưng lạ miệng, vì trước giờ khi nhắc đến thịt vịt, tôi chỉ nghĩ được độc nhất hai món là cháo vịt và vịt quay. Bạn ân cần hỏi tôi ăn ngon không. Nghe tôi trả lời "Rất thích", ánh mắt Bạn ánh lên niềm tự hào về món ăn quê nhà. Tôi nhìn mà thấy vui lây. Bạn cũng nhận xét bánh ở quán ngon chắc do vẫn còn dùng lửa củi để chiên, bánh chín và giòn đều mà ko cần dùng quá nhiều dầu.
Cải xanh do chủ quán tự trồng nên cay, thơm mùi cải rất rõ. Đây không phải quán đầu tiên ở miền Tây mà chủ quán tự tay trồng rau hay làm gì đó đặc biệt cho thực khách của mình. Trước đó, ở một quán phở, chị phục vụ vui vẻ nói với tôi là giá do quán tự làm luôn. Đúng rồi, giá ăn rõ vị, đầu to và mình thuôn hơn hẳn với giá ở thành phố mà tôi vẫn thường ăn. Lần khác, vào một quán hủ tiếu nhỏ, anh chủ mang ra một bình đầy nước "gì đó" mà tôi uống nghe thơm thơm. Lấy hết can đảm để hỏi thì biết nhà anh rang đậu đỏ và gạo chung rồi nấu lên mang cho khách uống luôn. Lòng cảm thấy vừa nhẹ nhàng, ấm áp vừa biết ơn những hành động nhỏ đó. Cũng là kinh doanh, buôn bán nhưng họ còn chân chất lắm, không lấy lợi nhuận làm yếu tố hàng đầu. Họ chăm chút cho từng nguyên liệu, mong muốn mang lại điều gì đó dễ thương cho thực khách. Đơn giản vì họ không phân biệt "người và ta". Gia đình họ ăn uống sạch sẽ, tươm tất thì mong muốn thực khách cũng được đối xử giống vậy. Và tôi luôn tin, những điều tốt đẹp sẽ đến với những người biết quan tâm và chia sẻ với người khác như thế. Sẽ không sai đâu mà.
*Nguồn hình: vanhoamientaycom.wordpress.com